Các doanh nghiệp “thượng nguồn” như PVS và PVD, hoặc các doanh nghiệp phân phối như PLX sẽ có sự phát triển vượt trội
CTCP Chứng khoán VnDirect (mã chứng khoán VND) công bố báo cáo phân tích ngành dầu khí với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.
Thị trường dầu Brent nhiều biến động
Từ cuối tháng 6/2023 đến nay giá dầu Brent đã giảm xuống dưới 75USD/thùng, tương ứng giảm khoảng 24% so với cùng kỳ do lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên tín hiệu mới từ việc OPEC+ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2024 có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu thô do nhu cầu tiêu thụ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn 2023-2024. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023, phần lớn mức tăng này đến từ các quốc gia nằm ngoài nhóm OECD.
Do đó, Chứng khoán VnDirect cho rằng giá dầu Brent sẽ tăng trở lại trong nửa cuối 2023 do nguồn cung hạn chế, đạt mức trung bình 80-85 USD/thùng trong năm 2023-2024.
Cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra thời gian qua càng khiến cho tầm quan trọng của việc tự chủ nguồn cung năng lượng được nâng cao. Ở Việt Nam, nhiều dự án phát triển dầu khí quy mô vừa và nhỏ đã được bật đèn xanh và có những chuyển động đáng kể trong vài tháng qua, đơn cử như Đại Hùng GĐ 3, Kình Ngư Trắng hay Lạc Đà Vàng.
Bên cạnh đó, nhiều tín hiệu cho thấy dự án phát triển mỏ khí nhiều tỷ USD Lô B – Ô Môn đang chuyển động, có thể được triển khai từ cuối năm 2023, trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành Dầu khí trong thời gian tới. Những dự án này sẽ cung cấp khối lượng lớn cho các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí trong nước, trước hết là cho các nhà thầu EPC và các đơn vị cung cấp dịch vụ khoan.
Thị trường khoan dầu khí tăng tốc, doanh nghiệp dịch vụ đầu ngành hưởng lợi
Thống kê cho thấy có thổng cộng 155 giàn JU đã ngừng hoạt động trên toàn cầu trong giai đoạn từ 2015-2021, trong khi đó chỉ 20 giảm JU mới được chế tạo tại các nhà máy và có thể được bàn giao cho các nhà khai thác trong vài năm tới. Ngoài ra, hơn 30% đội giàn JU, tương ứng khoảng 159 giàn khoan, hiện có tuổi đời trên 30 năm, độ tuổi khó có thể đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao hơn của các chiến dịch khoan ngày nay.
Trong bối cảnh đó nhu cầu giàn khoan JU sẽ tăng mạnh, dự báo nhu cầu sử dụng giàn khoan JU sẽ tăng mạnh, kéo theo đó giá thuê giàn cũng tăng.
Ở trong nước, Chứng khoán VnDirect cũng cho rằng thị trường giàn khoan sẽ sôi động hơn từ năm 2024 với nhiều dự án E&P đã và đang dự kiến triển khai, bao gồm dự án quy mô vừa như Kình Ngư Trắng hay Lạc Đà Vàng, và dự án nhiều tỷ USD Lô B – Ô Môn.
Điều này sẽ kích thích hoạt động cung cấp dịch vụ khoan trong nước. Đặc biệt, Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling – mã chứng khoán PVD) là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong nghề được kỳ vọng sẽ bứt phá.
Với việc EVN hiện đang gặp khó khăn trong việc sử dụng nguồn vốn ODA cho dự án Ô Môn 3 cũng như khả năng huy động vốn vay thương mại cho Ô Môn 4, chủ đầu tư 2 nhà máy nhiệt điện này sẽ được chuyển giao từ phía EVN về PVN. Dưới góc nhìn của chúng tôi, đây là giải pháp khả thi để xử lý vướng mắc tại dự án Ô Môn 3, qua đó thúc đẩy chuỗi dự án Lô B – Ô Môn khi PVN hiện đang là chủ đầu tư của các dự án phía thượng nguồn và trung nguồn, và sở hữu tiềm lực tài chính vững mạnh.
VnDirect cho rằng với vòng đời kéo dài 20 năm, dự án Lô B – Ô Môn sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho nhiều doanh nghiệp niêm yết, trong đó có loạt doanh nghiệp “họ P” như PVS, PVD, PVB, PXS, PVC và GAS…
Chuẩn bị cho quá trình chuyển dịch sang điện khí LNG
Những biến động giá dầu Brent trên thế giới, những tác động đầu tiên từ việc OPEC+ gia hạn việc cắt giảm sản lượng, những động thái chuyển động của các dự án điện khí… càng khẳng định hướng đi đúng khi các doanh nghiệp trong ngành đang có xu hướng dịch chuyển sang điện khí LNG.
Theo Quy hoạch điện 8, điện khí từ cả nguồn khí trong nước và LNG sẽ là điểm nhấn trong giai đoạn 2022-2030 với tốc độ tăng trưởng kép công suất đạt 23,1%, và chiếm 25% tổng công suất vào năm 2030. Trong đó, điện khí LNG là phân khúc đầy hứa hẹn trong những năm tới (chiếm 15% tổng công suất vào năm 2030) nhờ tính ổn định trong sản xuất điện và khả năng gia tăng công suất dễ dàng thông qua nhập khẩu, đóng vai trò quan trọng là nguồn điện chạy nền của hệ thống.
Việc chủ động, tập trung phát triển nguồn điện khí cũng giúp cho các doanh nghiệp có thế mạnh trong ngành càng được các nhà đầu tư quan tâm.
Bào cáo cho thấy trong các dự án LNG thuộc quy hoạch điện 8, Nhơn Trạch 3&4 nhiều khả năng sẽ trở thành nhà máy nhiệt điện khí LNG đầu tiên đi vào vận hành tại Việt Nam. Hiện GAS đã hoàn thành việc xây dựng kho cảng LNG Thị Vải và dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp những lô hàng LNG đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 7.
Dựa trên các lĩnh vực được ưu tiên phát triển trong quy hoạch điện 8, VnDirect cho rằng GAS sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi chính với tư cách là nhà phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng (với nhiều dự án lớn như các dự án kho cảng LNG và đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn) cũng như nhà cung cấp LNG.
Ngoài ra các doanh nghiệp vận tải dầu khí như PVT sẽ được hưởng lợi chính.
Cổ phiếu ưa thích: PVD, PVS và GAS
Với những phân tích, nhận định trên, chứng khoán VnDirect cho tằng cổ phiếu nhóm dầu khí sẽ có sự phân hóa trong bối cảnh giá dầu sụt giảm. Tuy vậy các doanh nghiệp “thượng nguồn” như PVS và PVD, hoặc các doanh nghiệp phân phối như PLX sẽ có sự phát triển vượt trội nhờ triển vọng lĩnh vực thượng nguồn rõ nét hơn nhờ các hoạt động E&P sôi động; lĩnh vực phân phối xăng dầu hồi phục nhờ thị trường xăng dầu trong nước ổn định trở lại.
VnDirect khuyến nghị MUA cổ phiếu PVD với giá mục tiêu 29.300 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng sinh lời 18% so với nền giá xấp xỉ 24.850 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên 7/7.
PVS được khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 38.100 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng sinh lời 15% từ nền giá 33.200 đồng/cổ phiếu hiện nay.
GAS được VnDirect khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 119.900 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng sinh lời gần 25%. Những lợi thế của GAS rất lớn trong đó chú trọng đến tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ đến từ chuỗi dự án đường phát triển mỏ khí lô B – Ô Môn.
Tuy khuyến nghị MUA, nhưng VnDirect cũng có những lưu ý nhà đầu tư về những rủi ro. Rủi ro thứ nhất đến từ triển vọng giá dầu. Rủi ro lớn thứ 2 là từ việc chậm trễ triển khai các dự án, trong đó có dự án trọng điểm như Lô B – Ô Môn.