Góc nhìn Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) về câu chuyện SCB, Vạn Thịnh Phát

21-01-2024 11:39|Dương Lam

Các công ty chứng khoán cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có thể ngăn chặn vụ SCB, Vạn Thịnh Phát trong tương lai.

Ngày 18/1, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 91,28% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Chỉ sau một ngày Quốc hội thông qua, Các công ty chứng khoán đã có những đánh giá về sự ảnh hưởng của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo đó, VnDirect hay MBS cho rằng, Luật mới kỳ vọng sẽ mang đến sự an toàn, ổn định và phát triển bền vững cho hệ thống các ngân hàng thương mại.

Đẩy mạnh quá trình xử lí nợ xấu

Theo VNDirect Research, tình trạng sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng (TCTD) đang là một trong những vấn đề nổi cộm trong thời gian vừa qua. Để giảm thiểu tình trạng này, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), sau đây gọi tắt là Luật, đã đưa ra các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn; giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan so với quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Đồng thời, Luật bổ sung quy định công bố thông tin đối với cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ.

Về câu chuyện rút tiền hàng loạt tại SCB trong năm 2022, đây được xem là hồi chuông cảnh báo về rủi ro rút tiền hàng loạt, dẫn tới phản ứng dây chuyền, áp lực thanh khoản cho toàn hệ thống.

Theo VNDirect Research, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này đã phản ứng kịp thời, luật hóa quy định về can thiệp sớm các TCTD cần hỗ trợ và quy định về xử lý trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt. Động thái này sẽ hỗ trợ ổn định tâm lý thị trường và người gửi tiền trước những lo ngại về rủi ro thanh khoản hệ thống trong tương lai.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan bị truy tố đến khung tử hình
Ảnh minh họa

Về câu chuyện tài sản bảo đảm, VNDirect Research chú ý đến nội dung được thảo luận rất nhiều trong quá trình sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, là quyền thu giữ tài sản đảm bảo và quyền chuyển nhượng tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu.

Vấn đề này đã được đề cập trong Nghị quyết 42/2017/QH-14 thí điểm về xử lý nợ xấu. Theo đó, TCTD được quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu của bên bảo đảm, tránh được tình trạng người đi vay tiền không phối hợp bàn giao tài sản đảm bảo.

Quy định này đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong 5 năm qua, giúp các TCTD đẩy nhanh quá trình thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo, từ đó đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu, tuy vậy đã không được Quốc hội kế thừa, chuyển hóa vào Luật Các tổ chức tín dụng.

Vì vậy, VNDirect Research khuyến nghị các cơ quan chức năng cần có những quy định rõ ràng hơn về quyền “thu giữ tài sản đảm bảo” trong thời gian tới.

Không để xuất hiện những SCB, Vạn Thịnh Phát tương lai

Đồng quan điểm, MBS Research nhận định Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mà Quốc hội vừa thông qua sẽ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần giúp hệ thống hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với chuẩn quốc tế.

“Chúng tôi cho rằng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có ý nghĩa lớn trong việc quản lý và điều hành hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với các quy định quốc tế. Trong ngắn hạn, những nội dung của Luật sẽ có tác động nhất định đến hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết” - MBS Research nhấn mạnh.

Bình luận của MBS cũng tập trung vào các quy định mới gồm:

(i) Các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của TCTD phải cung cấp thông tin, đồng thời TCTD ấy phải thực hiện công bố công khai minh bạch thông tin của các cổ đông này.

(ii) Giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức từ 15% hiện tại xuống 10% vốn điều lệ của TCTD; cổ đông và người có liên quan từ 20% xuống 15%; cổ đông lớn và người có liên quan xuống còn 5%; đối với nhà đầu tư nước ngoài thì không áp dụng quy định này mà theo phê duyệt cụ thể của Chính phủ.

Theo chuyên gia MBS Research, quy định này sẽ hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết sớm các rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau như trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát.

Chính thức cấm ngân hàng ép mua bảo hiểm khi cho vay

Chính thức công bố lộ trình siết tỷ lệ cấp tín dụng với khách hàng lớn

NHNN tiếp tục gửi công văn đề nghị Bộ Công an chấn chỉnh thị trường vàng miếng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/goc-nhin-luat-cac-to-chuc-tin-dung-sua-doi-ve-cau-chuyen-scb-220707.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Góc nhìn Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) về câu chuyện SCB, Vạn Thịnh Phát
POWERED BY ONECMS & INTECH