Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng được dự báo sẽ trở thành điểm nóng phát triển bất động sản nhà ở, chiếm tỷ lệ 24% nguồn cung nhà ở trong tương lai của Hà Nội.
Savills Việt Nam vừa công bố báo cáo tình hình bất động sản Hà Nội trong 3 tháng đầu năm 2022.
Theo báo cáo, tại phân khúc căn hộ, thị trường trong quý I/2022 không có dự án mới, toàn bộ nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của 6 dự án hiện tại. Số lượng giao dịch giảm, giá bán tăng trong khi thị trường nhà ở Hà Nội vẫn duy trì tích cực với nguồn cầu cao.
Giá thuê tiếp tục trên đà gia tăng kể từ quý I/2019; trong đó, các dự án hạng B dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng của mức giá sơ cấp, tiếp theo là hạng C và hạng A. Điều này khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung căn hộ giá rẻ.
Trong khi đó, ở phân khúc biệt thự và nhà liền kề, so với quý IV/2021, tình hình hoạt động đã cải thiện, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng nhất định về nguồn cung mới, phân bổ đều khắp địa bàn TP Hà Nội.
Lượng giao dịch tăng theo quý nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà liền kề và nhà phố là hai sản phẩm có mức tiêu thụ mạnh nhất trong thị trường.
Kể từ quý III/2021, giá bán sơ cấp liên tục ghi nhận mức giá cao nhất từ trước tới nay, với sự gia tăng về giá tại các phân khúc biệt thự, nhà liền kề và nhà phố.
Đáng chú ý, nhờ quỹ đất lớn, 5 huyện sắp lên quận là Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng sẽ trở thành điểm nóng phát triển bất động sản nhà ở, chiếm tỷ lệ 24% nguồn cung trong tương lai.
Theo Savills, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ là những động lực chính giúp thúc đẩy nguồn cầu về căn hộ trong thời gian tới.
Từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ chào đón hơn 1.600 căn đến từ 10 dự án; trong đó, khu vực phía Tây có nguồn cung tương lai lớn nhất. Với hạn chế về sản phẩm tại thị trường Hà Nội, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội tại các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, hay Hòa Bình.