Hà Nội chuẩn bị xây cầu hơn 8.000 tỷ nối thông Đại lộ Thăng Long qua Đông Anh
Cây cầu dự kiến xây dựng trên đường Vành đai 3,5 có nhiệm vụ kết nối liên thông Đại lộ Thăng Long và quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh và các địa phương khu vực phía Bắc sông Hồng.
Tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án vốn đầu tư công của thành phố.
Theo đó, đối với các dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư sử dụng ngân sách cấp thành phố, HĐND TP. Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 5 dự án lĩnh vực giao thông (1 dự án nhóm A và 4 dự án nhóm B) với tổng mức đầu tư dự kiến là 9.878 tỷ đồng, nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố dự kiến 150 tỷ đồng.
Trong đó, dự án nhóm A là cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu được điều chỉnh chủ trương đầu tư với nội dung tách thành các dự án thành phần, không có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025.
Dự án xây dựng cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài 5,22km. Trong đó, chiều dài cầu 4.060m, rộng 50-60m, với 8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.298 tỷ đồng. Dự án nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh, Hà Nội.
Thượng Cát là 1 trong 10 cầu bắc qua sông Hồng nằm trong quy hoạch giao thông vận tải TP. Hà Nội, thực hiện trong giai đoạn 2015-2030. 9 cầu còn lại gồm Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn II), Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát giúp đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong việc đầu tư toàn tuyến đường Vành đai 3,5; góp phần kết nối liên thông Đại lộ Thăng Long và quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh và các địa phương khu vực phía Bắc sông Hồng.
Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ giúp giảm tải lưu lượng cho tuyến đường 70, đường Vành đai 3 và hình thành các tuyến đường hạ tầng khung quan trọng trên địa bàn Thủ đô, nâng cao tỷ lệ mật độ đường giao thông đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các quận Bắc Từ Liêm, huyện Đông Anh và các địa phương lân cận nói riêng và TP. Hà Nội nói chung.
Cận cảnh ngôi biệt thự 100 năm tuổi biểu tượng của Cố đô Huế trước quyết định di dời
Hai đoạn tuyến trên đường Hồ Chí Minh đang “ráo riết” chuẩn bị khởi công trong tháng 12