Hà Nội - đến để yêu
Từ một nền du lịch bao cấp, trải qua chặng đường chông gai hình thành và phát triển, du lịch Hà Nội vươn lên trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của Thủ đô.
Điểm đến của du khách trong nước và quốc tế
Chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của du lịch cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Đỗ Đình Cương cho biết, hơn nửa thế kỷ trước, tính chất ngành du lịch cũng chưa thuần túy như bây giờ.
Sau khi Hiệp định Paris ký kết năm 1973, miền Bắc không còn chiến tranh lúc đó khách quốc tế vào Việt Nam là các đoàn ngoại giao, Việt kiều bắt đầu tăng lên nên cần người biết một chút về du lịch để dẫn khách.
Đến giai đoạn những năm 1980 - 1990, khi Việt Nam với quan hệ mật thiết với các nước xã hội chủ nghĩa, lúc đó việc đi du lịch đến Nga, Đức sau đó đến Ba Lan, Tiệp Khắc… mới manh nha, đánh dấu thời kỳ có thị trường khách quốc tế.
Sau hàng chục năm hình thành và phát triển ngành du lịch Việt Nam và Thủ đô ngày càng khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu trong khu vực cũng như trên thế giới. Các tổ chức, chuyên gia, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch quốc tế tiếp tục đề cử, vinh danh Hà Nội tại các giải thưởng uy tín, tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Trong năm 2024, Hà Nội được World Travel Awards trao 3 giải thưởng gồm: “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Destination), “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Break Destination) và “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam” (Vietnam’s Leading City Cultural Destination). Nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor đã vinh danh Hà Nội là “Điểm đến hàng đầu thế giới 2024” và “Điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới 2024”.
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, giai đoạn 2016 - 2018 lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, trong đó tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch quốc tế lên tới 22,5%/năm. Sau hơn 2 năm gần như tê liệt hoạt động do cơn “đại địa chấn” dịch Covid-19, năm 2023 Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chính thức mở cửa, dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến Covid-19 và khôi phục hoạt động du lịch.
Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình phục hồi và phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Nhờ đó trong năm 2023, ngành du lịch Thủ đô đã đón được 24 triệu du khách, trong đó có hơn 4 triệu lượt khách quốc tế. Từ đầu năm đến nay du lịch Hà Nội đã đón 18,95 triệu lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 3,94 triệu lượt khách, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023.
Phân tích nguyên nhân khiến du lịch Hà Nội trở thành điểm đến của du khách trong nước, quốc tế, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho biết, thời gian qua TP Hà Nội đã đẩy mạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, khuyến khích DN xây dựng tour mới thông qua khai thác tiềm năng thế mạnh Thủ đô.
Năm 2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, trong đó xác định “Tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch Thủ đô Hà Nội cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường; đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước” - ông Nguyễn Mạnh Thản dẫn chứng.
Thực hiện chủ trương này, những năm qua, công tác thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch Hà Nội được chú trọng. Theo đó, Hà Nội khuyến khích các nhà đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao.
Nhờ quyết định đúng đắn này, từ 2016 đến nay Hà Nội đã triển khai nhiều dự án phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch đầu tư dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế; Dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu (Quốc Oai)… Đến nay, Hà Nội có 3.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng; trong đó có 606 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao.
Tập trung vào thị trường khách mục tiêu
Để đẩy nhanh quá trình phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả bền vững theo tinh thần Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ, ngành du lịch Hà Nội đang đẩy mạnh khai thác các thị trường quốc tế trong đó tập trung vào các thị trường mục tiêu như: châu Âu, Bắc Á, Trung Quốc, Ấn Độ...
Là đơn vị nhiều năm liền đón khách từ thị trường Trung Quốc, Giám đốc Công ty CP Lữ hành quốc tế Kim Liên Ngô Thị Lan Phương chia sẻ, khách Trung Quốc thường đi theo đoàn đông và chi tiêu nhiều cho ẩm thực, trải nghiệm văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm, tìm cơ hội hợp tác nên ở lại khá lâu.
“Đây là một trong những thị trường mục tiêu của du lịch Việt Nam trong thời gian tới, vì thế ngành du lịch cần xây dựng các sản phẩm gắn với trải nghiệm độc đáo, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật giải trí, show diễn để đẩy mạnh khai thác kinh tế đêm. Ngoài ra, có thể mở rộng việc kết nối các tuyến điểm trong khu vực nội thành với các điểm ở ngoại thành nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách ở Hà Nội” - bà Ngô Thị Lan Phương hiến kế.
Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) Nhữ Thị Ngần cũng cho biết, hiện các đối tác Hàn Quốc muốn “bắt tay” với DN Việt Nam để đưa khách Hàn Quốc, Trung Quốc sang Hà Nội thông qua tour liên tuyến giữa 3 nước. Họ cũng mong muốn tại Hà Nội sẽ có những điểm mua sắm nông sản chất lượng cao để làm quà. Hà Nội có nhiều sản phẩm OCOP đáp ứng được nhu cầu mua sắm của khách Hàn Quốc, Trung Quốc, nhưng TP cần xây dựng những điểm mua sắm đạt chuẩn, nằm ở vị trí thuận lợi.
Dự báo về thị trường du lịch quốc tế trong những năm tới, các chuyên gia du lịch nhận định, trong bối cảnh hiện nay, khi phần lớn các quốc gia đang gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, chính trị dẫn đến du khách châu Âu có xu hướng hạn chế đi du lịch thì việc thu hút các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ là một hướng đi khả quan.
Những năm qua, lượng khách Ấn Độ sang Việt Nam luôn duy trì ở mức ổn định, khoảng 140.000 – 150.000 lượt khách/năm, là một trong 10 thị trường gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất. Đối với thị trường Trung Đông, tuy mới chỉ dừng ở mức vài chục nghìn khách/năm nhưng là những khách có mức chi tiêu cao, lượng khách được dự báo sẽ sang Việt Nam khi được tiếp cận nhiều thông tin hơn.
Đánh giá cao tầm quan trọng của việc thu hút khách quốc tế đến Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tập trung vào các giải pháp thu hút khách từ các thị trường mới, xây dựng sản phẩm “3 quốc gia một điểm đến” gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, trong đó trung tâm thu hút khách là Hà Nội. Ngoài ra, Sở cũng sẽ đẩy mạnh phối hợp với Hãng hàng không Emirates của Dubai trong việc đưa khách từ khu vực Trung Đông sang Hà Nội.
Để gia tăng trải nghiệm, khuyến khích khách quốc tế chi tiêu, du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai xây dựng, phát triển một số tour văn hóa gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức. Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử...
Công tác tuyên truyền quảng bá trên nền tảng số cũng được chú trọng bằng việc truyền thông hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế. Hà Nội cố gắng đa dạng hóa hình thức truyền thông trên nên tảng số, mạng xã hội nhằm lan tỏa và thu hút du khách đến Thủ đô với thông điệp xuyên suốt: “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”.
Việt Nam mở thêm 2 tour du lịch mới trên đầm nước rộng thứ hai cả nước, diện tích gấp 10 lần Hồ Tây
Hà Nội trình dự án nghiên cứu sửa chữa ‘tháp Eiffel nằm ngang’ hơn 100 năm tuổi