Hà Nội làm 14 tuyến đường sắt đô thị để cấm xe máy, hạn chế ô tô trong nội đô
Để loại bỏ xe máy và hạn chế ô tô cá nhân trong nội đô, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 14 tuyến đường sắt đô thị, với hơn 400km.
Ngày 11/4, UBND TP Hà Nội đã phối hợp cùng Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội tổ chức hội thảo "Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân".
Phát biểu khai mạc, ông Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội cho biết, mục tiêu của hội thảo là tìm giải pháp loại bỏ xe máy và giảm các phương tiện giao thông cá nhân khác trong nội đô.
"Nhiều thành phố trên thế giới đã có những giải pháp khoa học, lộ trình hợp lý để loại bỏ xe máy và giảm ô tô cá nhân ở trong nội đô bằng giải pháp xây dựng các tuyến đường sắt đô thị”, ông Lê Xuân Rao nói.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh theo các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2035, Hà Nội sẽ phải hoàn thành hơn 400km đường sắt đô thị.
Tại kỳ họp chuyên đề ngày 29/3, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thống nhất xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị để giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực nội đô, đẩy mạnh năng lực vận tải hành khách công cộng.
Góp ý tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng muốn làm đường sắt đô thị thì công tác quy hoạch phải đi trước một bước. “Để đảm bảo tính khả thi, Quy hoạch chung Thủ đô cần nêu rõ các tuyến đường sắt đô thị xây dựng”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, Hà Nội nên đề xuất với Quốc hội xây dựng 1 nghị quyết về triển khai hệ thống đường sắt đô thị với nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho việc thực hiện.
Cùng vấn đề trên, ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đường sắt Hà Nội cho rằng, “nếu có tư duy đột phá”, đến năm 2035, Hà Nội có thể hoàn thành mục tiêu làm 14 tuyến đường sắt đô thị, với hơn 400km.
Ông Trường dẫn chứng chỉ riêng việc cấp giấy phép lái tàu đã phải sửa hàng loạt thông tư, nghị định liên quan đến độ tuổi cấp phép lái tàu.
“Do vậy trước hết cần có các đột phá về cơ chế, chính sách từ Quốc hội, các bộ, ban, ngành và thành phố. Tiếp đó là đột phá về kênh huy động nguồn vốn”, ông Trường nói.
Còn PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội kiến nghị Quốc hội cần sớm thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó quy định rõ việc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật.
Bà An đề xuất Quốc hội có thể ra nghị quyết riêng về vấn đề giao thông của Thủ đô, trong đó trao quyền và trách nhiệm cho lãnh đạo TP Hà Nội trong phát triển hạ tầng giao thông.
“Thủ đô không phải là của riêng Hà Nội, mà là của cả nước, nên phải có đột phá về phát triển giao thông, trong đó có hệ thống đường sắt đô thị”, bà An nói.
1. Ngọc Hồi - Yên Viên - Lạc Đạo
2. Sóc Sơn - Nội Bài - Thượng Đình - Xuân Mai
2A. Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai
3. Sơn Tây - Trôi - Nhổn - Yên Sở - Cầu Diễn
4. Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà
5. Văn Cao - Hòa Lạc
6. Nội Bài - Mai Dịch
7. Mê Linh - Hà Đông - Ngọc Hồi
8. Sơn Động - Mai Dịch - Dương Xá
9. Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2
10. Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá
11. Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4
12. Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai
13. Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân
>> 'Cứu' ùn tắc giao thông, Việt Nam sẽ có 3 tuyến tàu điện không đường ray, sẽ thi công 'thần tốc'