Trong gần 100 đơn vị hành chính xã tại Hà Nội sáp nhập, số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách theo định mức là 4.032 người.
Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng cũng như chính quyền các cấp TP. Hà Nội đang triển khai kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Theo rà soát, Hà Nội có 173 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 79 xã, 87 phường và 7 thị trấn thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn này (chưa trừ các đơn vị có yếu tố đặc thù nên không sáp nhập). Sau sáp nhập, số đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm từ 579 đơn vị xuống còn 518 đơn vị (giảm 61 đơn vị).
Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực, tinh giản bộ máy, biên chế, tăng quy mô về diện tích tự nhiên, dân số của đơn vị hành chính, khắc phục tình trạng đơn vị hành chính cấp xã không đạt tiêu chuẩn…
Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện chủ trương lớn này cũng gặp không ít khó khăn. Đáng chú ý nhất là tâm lý hàng nghìn cán bộ, công chức, người lao động dôi dư sau sáp nhập và tâm lý của các phụ huynh về hoạt động giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh.
Để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh, giảng dạy của giáo viên, các cơ quan chức năng TP. Hà Nội dự kiến giữ ổn định nguyên trạng các trường học trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp; trong thời gian tới nếu có bất cập trong việc dạy và học sẽ sắp xếp, sáp nhập lại các trường học với các điểm trường phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học của ngành giáo dục.
>> Hà Nội hé lộ lí do một quận trung tâm 'thoát' diện sáp nhập, sẽ lập thêm 2 quận mới
Đối với trạm y tế, trước mắt sẽ giữ nguyên các trạm y tế để bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân và tình hình thực tế của địa phương. Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ thực hiện việc bố trí số lương biên chế đội ngũ y, bác sĩ phù hợp quy định.
Trụ sở công an, quân sự, trường hợp chưa có trụ sở công an riêng sẽ cải tạo, sửa chữa trụ sở UBND dôi dư thành trụ sở công an. Trường hợp trụ sở công an dôi dư sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện việc bố trí theo hướng dẫn của Công an TP. Hà Nội.
Một trong những khó khăn khi tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính là hàng nghìn cán bộ, công chức, người lao động dôi dư và phải mất thời gian để sắp xếp, bố trí hoặc giải quyết chế độ, chính sách với số cán bộ này.
Cụ thể, theo UBND TP. Hà Nội, trong gần 100 đơn vị hành chính xã sáp nhập, số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách theo định mức là 4.032 người, hiện có là 3.383 người.
Sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 1.031 người, trong đó có 520 cán bộ, 365 công chức và 169 người hoạt động không chuyên trách.
UBND TP. Hà Nội cho biết, dự kiến sẽ bố thực hiện điều động sang xã, phường còn chỉ tiêu là 423 người và chuyển sang công chức 72 người. Trường hợp dôi dư không bố trí sắp xếp được thì động viên nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc 122 người. UBND TP. Hà Nội đưa ra phương án sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư theo lộ trình 5 năm.
Đóng góp ý kiến về việc sáp nhập các đơn vị hành chính, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung dự thảo đề án và các phụ lục kèm theo. Tuy nhiên, theo Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm 61 đơn vị, như vậy sẽ giảm 61 Ban Chỉ huy quân sự các xã, phường trên địa bàn thành phố.
Một tỉnh nhỏ miền Bắc hút thêm 232 triệu USD vốn đầu tư
'Soi' tiến độ độ di dời hàng chục doanh nghiệp khỏi khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam