Hà Nội hé lộ lí do một quận trung tâm 'thoát' diện sáp nhập, sẽ lập thêm 2 quận mới

15-05-2024 08:24|Thảo Đan

Thành phố Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận.

Theo tờ trình về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của UBND thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm là đơn vị thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp.

UBND thành phố Hà Nội cho rằng lý do không thực hiện sắp xếp đối với quận Hoàn Kiếm vì quận này là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hoá của thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, quận có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô, của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Khu phố cổ gồm 10 phường có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời cần được bảo tồn, gìn giữ bao gồm: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Mã, Cửa Đông, Đồng Xuân, Lý Thái Tổ gắn với lịch sử hình thành lâu đời của khu 36 phố phường, có 5 cửa Ô từ đầu thế kỷ XX.

Sáp nhập quận Hoàn Kiếm, tại sao không?

Quận Hoàn Kiếm từ trên cao

>> Sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính trên cả nước: Sẽ giảm 13 huyện và 624 xã, có 10 tỉnh không 'xáo trộn'

UBND thành phố cũng cho rằng quy hoạch xung quanh hồ Hoàn Kiếm là một chỉnh thể có yếu tố đặc thù, kế thừa lịch sử, văn hóa, kiến trúc được chia ra làm 3 khu vực chính: khu phố cổ, khu vực hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ đã giữ hình thái ổn định từ năm 1990 đến nay.

Ngoài ra, từ năm 1995, Trung ương và thành phố đã phê duyệt 4 đề án quy hoạch dành riêng cho khu vực này (1 quy hoạch của Bộ Xây dựng; 1 quy hoạch của thành phố; 1 quy chế quản lý và 1 quy hoạch phân khu) để khẳng định tầm quan trọng vị trí đặc biệt cần bảo tồn, gìn giữ đối với khu phố cổ Hà Nội thuộc quận Hoàn Kiếm.

Do đó, nếu thực hiện sắp xếp quận sẽ mất đi các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống và quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.

Quận Hoàn Kiếm có diện tích tự nhiên là 5,347km2, quy mô dân số là 212.921 người (kết quả rà soát mới nhất của UBND thành phố).

Cũng theo tờ trình, Hà Nội cho biết thành phố đang thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 16 của Thành ủy Hà Nội với nhiệm vụ phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận.

>> Hà Nội có thêm 5 quận mới trước năm 2030

Cụ thể, thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh, thành phố Hà Nội đã được HĐND thành phố thông qua vào ngày 4/7/2023.

Bên cạnh đó, thành phố cho biết chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm cũng đã được thông qua vào tháng 9/2023. Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn huyện Gia Lâm sẽ được thực hiện trong đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội.

Với các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, hiện thành phố đang triển khai công tác xây dựng đề án thành lập quận và các phường thuộc quận, dự kiến hoàn thành trước năm 2030.

>> Tỉnh 'tí hon' sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương sẽ sáp nhập, sắp xếp 28 đơn vị hành chính

Sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính trên cả nước: Sẽ giảm 13 huyện và 624 xã, có 10 tỉnh không 'xáo trộn'

Tỉnh 'tí hon' sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương sẽ sáp nhập, sắp xếp 28 đơn vị hành chính

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ha-noi-he-lo-li-do-mot-quan-trung-tam-thoat-dien-sap-nhap-se-lap-them-2-quan-moi-234813.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hà Nội hé lộ lí do một quận trung tâm 'thoát' diện sáp nhập, sẽ lập thêm 2 quận mới
POWERED BY ONECMS & INTECH