Thế giới

Hai lần lỡ tàu và bài học khiến 'vua chip' Intel cũng phải gục ngã

Thanh Lê 07/12/2024 07:45

"Khả năng họ quay lại thời kỳ huy hoàng, vào thời điểm này, trông có vẻ rất mờ mịt", Angelo Zino, nhà phân tích công nghệ tại CFRA Research, cho biết.

Khi cựu CEO huyền thoại của Intel, Andy Grove, xuất bản cuốn sách "Chỉ những kẻ hoang tưởng mới sống sót" vào năm 1996, ông đã bàn luận rất sâu về việc công nghệ có thể làm suy yếu một doanh nghiệp như thế nào. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, khái niệm về việc công ty của ông có thể đối mặt với nguy cơ sụp đổ vẫn chỉ là một lý thuyết xa vời.

z6103801858840_8c0b3ae4a9b163b57668f1fea231aecc.jpg
Intel từng là nhà sản xuất vi mạch máy tính lớn nhất thế giới

Bởi khi đó, Intel là nhà sản xuất vi mạch máy tính lớn nhất thế giới, với công nghệ chiếm lĩnh hầu hết các máy tính cá nhân. Tuy nhiên Grove cho rằng sứ mệnh của Intel vượt xa việc chỉ cung cấp linh kiện. Ông muốn thúc đẩy một tầm nhìn tham vọng về tương lai điện toán, nơi máy tính cá nhân sẽ đáp ứng mọi nhu cầu: từ giải trí, chơi game, lưu trữ ảnh đến kết nối xã hội. Intel sẽ là nguồn năng lượng cho tất cả những điều đó.

Tiếc là Intel đã dự đoán đúng về sự phát triển của máy tính cá nhâ nhưng lại bỏ lỡ cơ hội trong cả lĩnh vực điện toán di động và cơn sốt AI, hai làn sóng công nghệ chính đã định hình thế giới suốt 15 năm qua. Hậu quả là, gần hai thập kỷ sau tầm nhìn của Grove, Intel giờ chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Cổ phiếu của Intel đạt mức cao nhất mọi thời đại hơn 24 năm trước, vào ngày 31/8/2000. Trong những năm gần đây, nó đã giảm mạnh và hiện chỉ tương đương 68% so với mức kỷ lục đó.

Vào tháng 8, công ty thông báo sẽ sa thải 15% nhân viên để cắt giảm 10 tỷ USD chi phí. Và vào tháng trước, Intel đã bị loại khỏi chỉ số Dow Jones Industrial Average sau 25 năm. Thay thế Intel là Nvidia - thế lực mới của ngành chip.

Vào thứ Hai, công ty thông báo về việc CEO Pat Gelsinger nghỉ hưu. Từng được kỳ vọng sẽ "cứu rỗi" Intel khi nhận chức hơn ba năm trước, Gelsinger đã không thể cứu vãn tình thế. Các nhà đầu tư và chuyên gia giờ đây nghiêm túc đặt câu hỏi: Liệu Intel có thể lấy lại vị thế dẫn đầu trong ngành công nghệ hay không?

"Khả năng họ quay lại thời kỳ huy hoàng, vào thời điểm này, trông có vẻ rất mờ mịt", Angelo Zino, nhà phân tích công nghệ tại CFRA Research, cho biết.

Lỡ nhịp với làn sóng di động

Những dấu hiệu suy yếu của Intel bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 2010. iPhone đầu tiên của Apple đã ra mắt 3 năm trước đó, và công ty này đã chọn một nhà thiết kế vi mạch ít tên tuổi của Anh là ARM để thiết kế vi xử lý cho mình.

Trước đó, ARM được coi là một nhà sản xuất nhỏ, thiết kế công nghệ cho thị trường ngách, biên lợi nhuận thấp. Nhưng khi thị trường di động bùng nổ, ARM đã nhanh chóng vượt mặt Intel, trở thành nhà sản xuất vi mạch dẫn đầu.

Các đối thủ như AMD lại nhạy bén nắm bắt xu thế điện toán đám mây, trong khi Intel vẫn vật lộn để theo kịp tốc độ đổi mới theo "định lý Moore" - quy luật do chính nhà sáng lập Gordon Moore đưa ra.

z6103801880795_70b9169137db03678691169e0b9cffd4.jpg
Ảnh minh họa

Năm 2019, Intel phải đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi do những nỗ lực chậm chạp trong sản xuất vi mạch tiên tiến. Cho đến nay, hãng vẫn đang nhường thị phần máy chủ và máy tính cá nhân cho các đối thủ. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất, Intel vẫn chiếm 65% thị phần máy tính cá nhân truyền thống và 85% thị phần máy chủ. Những con số này cho thấy hãng vẫn có tiềm năng để phục hồi.

Tụt hậu trong cuộc đua AI

Khi Gelsinger tiếp quản vào năm 2021, ông được giao nhiệm vụ phục hồi khả năng sản xuất của Intel và đưa công ty trở lại nhịp độ đổi mới thường xuyên. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Gelsinger "đã làm rất tốt ở mặt này", Zino cho biết.

Tuy nhiên, trong khi ông tập trung cải thiện sản xuất cho các sản phẩm hiện tại, một sự thay đổi công nghệ cơ bản lại diễn ra, với những điểm tương đồng đáng kinh ngạc so với cuộc cách mạng di động từng khiến Intel bất ngờ cách đây một thập kỷ.

Nvidia - trước đây chỉ là một đối thủ nhỏ chuyên sản xuất GPU cho game - đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngành công nghệ nhờ những vi mạch quan trọng để xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ của trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, Nvidia là công ty có giá trị thị trường thứ hai thế giới, với 3,4 nghìn tỷ USD, gấp 33 lần so với Intel (104 tỷ USD).

Intel một lần nữa đứng trước nguy cơ tụt hậu, không có sản phẩm đủ sức cạnh tranh với Nvidia và AMD trong lĩnh vực AI - công nghệ đang thúc đẩy làn sóng đổi mới tiếp theo. Chip tăng tốc AI Gaudi mà Intel phát hành năm nay để chiếm lĩnh thị trường đã không đạt được kỳ vọng.

CEO Nvidia, Jensen Huang, nhận định rằng việc Intel quá tập trung vào CPU khiến công ty không kịp dự đoán xu hướng chuyển sang sử dụng GPU cho AI là điều dễ hiểu.

Ông giải thích: "Tốc độ đổi mới xung quanh học sâu và học máy đã chuyển từ mã hóa các chỉ thị trên CPU sang học máy và mạng nơ-ron trên GPU. Lực lượng này mạnh mẽ đến mức không thể tưởng tượng nổi", Huang nhấn mạnh: "Bạn phải chuẩn bị cho xu hướng 10 năm này, nếu không sẽ bị bất ngờ".

Tương lai bất định

Cùng lúc, Gelsinger đã thúc đẩy một kế hoạch mạo hiểm và tốn kém nhằm mở rộng việc sử dụng các xưởng sản xuất của Intel, một yếu tố tự hào trong lịch sử của công ty, để sản xuất vi mạch cho các đối thủ như Apple, trực tiếp cạnh tranh với gã khổng lồ TSMC. Đây là một phần quan trọng trong kế hoạch phục hồi ngành sản xuất vi mạch của chính quyền Biden, nhưng kế hoạch vẫn gặp nhiều trì hoãn.

z6103801880793_7ac5cbe7831bf6e2aed0d9b07c590b8e.jpg
CEO Pat Gelsinger

Sự không chắc chắn về lộ trình sản phẩm tương lai và khả năng tìm đủ khách hàng cho ngành sản xuất vi mạch để bù đắp khoản đầu tư hàng chục tỷ USD đang khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Alvin Nguyen, nhà phân tích cấp cao của Forrester, nhận xét: "Với kinh nghiệm của mình, họ biết rằng có 1 sự kết hợp tuyệt vời giữa sản xuất vi mạch và sản phẩm. Nhưng vấn đề là, sự phối hợp này chỉ thành công khi cả hai yếu tố đều mạnh mẽ, và rõ ràng hiện tại không phải như vậy."

Với việc bổ nhiệm các CEO tạm thời David Zinsner và Michelle Johnston Holthaus, Intel vẫn còn một chút hy vọng. Nguyen cho rằng việc sản xuất các sản phẩm AI tiết kiệm chi phí, ít hiệu suất nhưng tiết kiệm năng lượng có thể sẽ hấp dẫn các công ty nhỏ không cần sức mạnh tính toán khổng lồ như vi mạch của Nvidia.

Theo CNN

>> Intel ráo riết tìm ứng viên cho ghế CEO, một nhân vật kỳ cựu được gọi tên

CEO Jensen Huang đến Việt Nam uống bia, ăn phở: Người rửa bát mang ước mơ khởi nghiệp, đưa công ty 3 lần suýt phá sản thành hãng chip nghìn tỷ USD

Samsung khủng hoảng nghiêm trọng: Giải thể bộ phận đúc chip, 30% nhân sự sẽ bị sa thải

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/hai-lan-lo-tau-va-bai-hoc-khien-vua-chip-intel-cung-phai-guc-nga-131785.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hai lần lỡ tàu và bài học khiến 'vua chip' Intel cũng phải gục ngã
    POWERED BY ONECMS & INTECH