Hai quốc gia châu Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có thể trở thành hình mẫu mới thay thế cho Hàn Quốc và Trung Quốc

21-03-2024 06:18|Quỳnh Vân

Cả 2 nước này đều đang đi tiên phong trong những cách thức mới để trở nên giàu có và thịnh vượng hơn trong bối cảnh thế giới đầy biến động.

Trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Nhóm G20), gần đây xuất hiện 2 cái tên nổi bật hay được nhắc đến là Ấn Độ và Indonesia. Những “gã khổng lồ châu Á” với tổng dân số 1,7 tỷ người được IMF dự báo sẽ trở thành 2 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm G20, không chỉ trong năm nay mà cả 5 năm tới.

Các quốc gia này đều áp dụng những chiến lược riêng để trở nên giàu có hơn và duy trì sự ổn định trong kỷ nguyên phi toàn cầu hoá, căng thẳng địa chính trị, tự động hoá và chuyển dịch năng lượng.

Sự thành công, hoặc thất bại, của họ mang ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với người dân mà còn với các nhà đầu tư đang đặt cược hàng tỷ USD vào đây.

Hai quốc gia Đông Nam Á này còn có thể trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia khác đang tìm kiếm những con đường mới và bền vững hơn để phát triển trong thập kỷ này và xa hơn nữa.

Một mô hình chung

Trong nhiều thập kỷ, các nước đang phát triển đã tuân theo một công thức làm giàu được chứng minh là có hiệu quả. Đó là di cư người lao động từ ngành nông nghiệp sang làm những công việc trong nhà máy tại các thành phố, sản xuất hàng hóa để xuất khẩu ra nước ngoài.

Công thức này đã thành công tại Hàn Quốc và một số nước khác, trong đó công nghiệp hóa đã giúp 800 triệu người dân Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo.

Tuy nhiên, ngày nay mô hình này không còn hiệu quả như trước. Chủ nghĩa bảo hộ đang thách thức các nền kinh tế tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Các nhà máy cũng sử dụng robot ngày càng nhiều hơn.

Hai quốc gia châu Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có thể trở thành hình mẫu mới thay thế cho Hàn Quốc và Trung Quốc
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đều là những người có mức độ tín nhiệm cao vì những thành tựu mà họ đã đạt được. Ảnh: The Economist

Những năm vừa qua, GDP của Ấn Độ và Indonesia đạt mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 71% và 52%. Đặc biệt, ngành dịch vụ, chứ không phải sản xuất, mới là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất.

Cả 2 đều là nền kinh tế mở với thương mại chiếm khoảng 40% GDP, trong khi dòng vốn FDI tương đương khoảng 1,5% GDP.

Thêm vào đó, 90% người lao động Ấn Độ và 60% lực lượng lao động của Indonesia làm việc trong “nền kinh tế xám”, tức các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng chưa được thừa nhận chính thức. Chi tiêu công của Ấn Độ chỉ chiếm 30% GDP, còn của Indonesia là 18%.

Hiện tại, hai quốc gia đều đang theo đuổi những dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng. Indonesia đã xây 18 bến cảng, 21 sân bay và 1.700km đường xá kể từ năm 2014 đến nay. Ấn Độ cũng bổ sung thêm 10.000km đường cao tốc mỗi năm.

Thu nhập bình quân đầu người của Indonesia đạt 4.180 USD còn của Ấn Độ chỉ bằng một nửa. Họ được xếp vào nhóm các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp.

Hai quốc gia châu Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có thể trở thành hình mẫu mới thay thế cho Hàn Quốc và Trung Quốc
Tỷ trọng các lĩnh vực công nghiệp đối với GDP của hai nước. Ảnh: World Bank

Khác biệt của mỗi nước

Để so sánh xem nước nào có nhiều tiềm năng hơn, các nhà phân tích đã xét đến 3 khía cạnh là xuất khẩu, chính sách công nghiệp, và vị thế địa chính trị.

Đầu tiên là xuất khẩu. Tại Ấn Độ, dịch vụ công nghệ là một trong những lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu. Nhờ khả năng đào tạo nửa triệu kỹ sư công nghệ mỗi năm, Ấn Độ chiếm tới 15% các khoản chi tiêu cho dịch vụ công nghệ trên toàn cầu năm 2021.

Còn thế mạnh của Indonesia nằm ở hàng hóa cơ bản, trong đó nhu cầu của nhiều loại khoáng sản (như nickel) trên toàn cầu đang tăng do quá trình chuyển đổi năng lượng. Đến năm 2030, Indonesia sẽ là nhà sản xuất lớn thứ 4 thế giới về “hàng hóa xanh” được sử dụng để sản xuất năng lượng tái tạo.

Những ngành này đều hứa hẹn sẽ mang về nguồn thu khổng lồ từ nước ngoài. Năm 2021, dịch vụ công nghệ đóng góp khoảng 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ, còn hàng hóa (trừ nhiên liệu hóa thạch) chiếm 22% của Indonesia.

Tuy nhiên, những ngành này lại sản sinh ra lượng việc làm khá khiêm tốn. Được biết toàn ngành IT của Ấn Độ chỉ có 5 triệu nhân công.

Chính phủ cả 2 nước mong muốn tăng tốc phát triển nhóm doanh nghiệp tư nhân bằng chính sách công nghiệp. Trong đó Ấn Độ được đánh giá là có xuất phát điểm tốt hơn. Giá trị vốn hóa của chỉ số MSCI India tương đương 24% GDP. Còn giá trị vốn hóa của TTCK Indonesia chỉ đạt 10% GDP.

Hai quốc gia châu Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có thể trở thành hình mẫu mới thay thế cho Hàn Quốc và Trung Quốc
Xét về khu vực tư nhân, Ấn Độ có lợi thế hơn so với Indonesia. Ảnh: The Economist

Bên cạnh đó, Ấn Độ sở hữu 108 doanh nghiệp “kỳ lân” (các startup có vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên), nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc. Indonesia chỉ có hơn một chục startup như vậy.

Về chính sách công nghiệp, ông Modi đang đặt cược 30 tỷ USD cho các chính sách phát triển, tập trung vào 14 ngành ưu tiên bao gồm chip bán dẫn. Để đạt được cam kết giảm lượng phát thải bằng 0 vào năm 2070 của Ấn Độ bao gồm xây dựng nhiều trang trại điện mặt trời và tăng sản xuất pin.

Ngoài ra, nước này còn có kế hoạch tăng cơ hội việc làm và giảm chi phí nhập khẩu năng lượng từ mức 4% GDP trong năm 2021 xuống còn 2,5% vào năm 2032.

Trong khi đó, Chính phủ Indonesia tập trung vào các tài nguyên thiên nhiên. Nước này kỳ vọng lệnh cấm xuất khẩu một số nguyên vật liệu thô sẽ thúc đẩy các tập đoàn đa quốc gia xây dựng nhà máy tinh chế ở đây.

Ví dụ như sau khi áp dụng lệnh cấm đối với nickel thô năm 2014, số nhà máy xử lý nickel ở quốc gia này đã tăng từ 2 lên 13 trong năm 2020 và dự kiến lên đến 30 vào cuối năm nay.

Cuối cùng, xét đến bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tăng lên, hai quốc gia đang có những quan điểm địa chính trị rất khác nhau. Indonesia vẫn đi theo đường lối cân bằng giữa Trung Quốc và phương Tây.

Ngược lại, Ấn Độ nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn. Trong bối cảnh xảy ra các cuộc đụng độ ở biên giới, nước này đã gia nhập Quad - một nhóm gồm Mỹ, Australia và Nhật Bản.

Năm 2020, Ấn Độ ban hành lệnh cấm TikTok và hàng chục ứng dụng khác từ Trung Quốc. Một phần trong chiến lược phát triển công nghiệp của ông Modi cũng bao gồm việc thu hút các doanh nghiệp phương Tây đang muốn đa dạng hóa khỏi Trung Quốc.

Với các doanh nghiệp tư nhân và thị trường vốn hùng mạnh hơn, các chuyên gia từ The Economist nhận định Ấn Độ sẽ dẫn đầu đà tăng trưởng.

Nhưng cần phải nhìn nhận thêm rằng Ấn Độ và Indonesia đều tồn tại chủ nghĩa tư bản thân hữu. Bao quanh ông Jokowi là nhiều tỷ phú, trong khi ở Ấn Độ, tập đoàn Adani gần như chiếm thế độc quyền.

Arvine Subramanian, cựu cố vấn kinh tế của Chính phủ Ấn Độ, chỉ ra rằng những tập đoàn zaibatsu ở Nhật Bản và chaebol ở Hàn Quốc hoạt động trong các lĩnh vực buộc họ phải cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, còn Adani và những tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.

Điều này sẽ phải thay đổi nếu như 2 quốc gia châu Á này muốn tiến xa hơn và trở thành tấm gương mới cho các nền kinh tế khác noi theo.

>> Quốc gia châu Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới, GDP vượt xa các ước tính trong quá khứ

Mọi công ty trên thế giới đều muốn tới đặt nhà máy, quốc gia châu Á đứng trước cơ hội trở thành ‘cường quốc chip’ toàn cầu

Quốc gia châu Á sắp thế chân Mỹ trở thành 'trùm' LNG của thế giới: Dự kiến nắm giữ 25% thị phần toàn cầu, là nhà cung cấp lớn thứ 4 của Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hai-quoc-gia-chau-a-tang-truong-nhanh-nhat-the-gioi-co-the-tro-thanh-hinh-mau-moi-thay-the-cho-han-quoc-va-trung-quoc-227183.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hai quốc gia châu Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có thể trở thành hình mẫu mới thay thế cho Hàn Quốc và Trung Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH