Hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á của Việt Nam, được công nhận là Di tích Quốc gia
Hang động này được hình thành do hoạt động phun trào bazan của núi lửa Chư B’luk cách đây khoảng 600.000 - 200.000 năm.
Ngày 14/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đối với hang C3, C4 thuộc hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, nằm ở xã Đắk Sô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Theo quyết định này, khu vực bảo vệ di tích sẽ được xác định rõ trên bản đồ, kèm theo hồ sơ pháp lý. UBND các cấp tại địa phương có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là một quần thể hang động được hình thành trong đá bazan, kéo dài khoảng 10km. Đây là hệ thống hang động núi lửa được ghi nhận có quy mô, chiều dài và giá trị địa chất độc đáo hàng đầu Đông Nam Á, được các nhà khoa học phát hiện vào năm 2014.

Đến nay, hệ thống này vẫn giữ được sự nguyên vẹn tương đối. Trong quá trình khảo sát, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu tích cư trú của người tiền sử có niên đại khoảng 6.000 - 7.000 năm.
Đặc biệt, vào tháng 9/2018, các nhà khoa học đã công bố những dấu vết sinh sống của con người thời tiền sử được phát hiện trong hệ thống hang động núi lửa này. Trước đó, trên thế giới chỉ có hệ thống hang động núi lửa tại Hàn Quốc được ghi nhận có dấu tích của con người sinh sống.

Hiện nay, công tác nghiên cứu và khám phá các hang động mới chủ yếu tập trung vào những hang khô, có cửa hang lộ ra trên bề mặt địa hình. Trong đó, hang C3 và C4 là hai hang động có quy mô trung bình, thông với nhau, với tổng chiều dài khoảng 967,8m.
Theo tài liệu chuyên môn, hang C3 và C4 được hình thành do hoạt động phun trào bazan của núi lửa Chư B’luk cách đây khoảng 600.000 - 200.000 năm. Khi dòng dung nham phun trào lan theo hướng Bắc và Tây Bắc, bám theo địa hình có dạng vòng cung theo trục Tây Bắc - Đông Nam, đã tạo nên hai hang động này.
Hang C3 và C4 là một phần của hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, mang cấu trúc địa chất đặc biệt và có giá trị nghiên cứu cao.