Nơi huyền thoại được Thủ tướng ban hành Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt: Bến cuối cùng của đoàn tàu không số, từng tiếp nhận hơn 4.000 tấn vũ khí, đạn dược
Di tích này gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc, góp phần tạo nên những chiến thắng vang dội của đất nước.
Vừa qua, tối 24/4, tỉnh Cà Mau đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Bến Vàm Lũng, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định tầm vóc lịch sử của Đường Hồ Chí Minh trên biển, một minh chứng cho ý chí kiên cường và sức mạnh đoàn kết dân tộc. Ông nhấn mạnh rằng chính tinh thần bất khuất đã giúp các chiến sĩ “đoàn tàu không số” sáng tạo ra những phương thức vận chuyển vũ khí độc đáo, công khai nhưng vẫn đảm bảo bí mật, mang lại hiệu quả và an toàn tối ưu.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới các chiến sĩ “đoàn tàu không số” và những người đã hy sinh, cống hiến cho tuyến đường lịch sử. Đảng bộ và nhân dân Cà Mau cam kết gìn giữ và phát huy giá trị của Bến Vàm Lũng, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng của dân tộc.

Sau phong trào Đồng khởi năm 1960, cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc cung cấp vũ khí cho chiến trường. Tuy nhiên, các tuyến đường bộ gặp nhiều khó khăn, khiến việc chi viện trở nên thách thức.
Ngày 23/10/1961, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay, với nhiệm vụ xây dựng tuyến vận tải quân sự chiến lược Bắc-Nam qua đường biển. Đoàn đảm nhận vai trò đưa cán bộ, chiến sĩ và vũ khí vào miền Nam, hỗ trợ cách mạng. Theo chỉ đạo của Trung ương Cục, các tỉnh miền Nam tổ chức các chuyến thuyền vượt biển ra Bắc để báo cáo tình hình và nhận vũ khí. Tại Cà Mau, đồng chí Bông Văn Dĩa được giao nhiệm vụ đặc biệt, vừa khảo sát tuyến đường biển, vừa báo cáo với Trung ương.

Qua khảo sát, Bến Vàm Lũng được chọn là điểm tiếp nhận vũ khí lý tưởng. Ngày 11/10/1962, chuyến tàu đầu tiên của “đoàn tàu không số”, mang tên “Phương Đông 1”, chở 30 tấn vũ khí, khởi hành từ bến Đồ Sơn, Hải Phòng. Đến ngày 16/10/1962, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa, tàu cập bến Vàm Lũng an toàn.
Những chuyến tàu tiếp theo như Phương Đông 2, Phương Đông 3, Phương Đông 4… đã vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí. Theo VOV, tính đến cuối năm 1970, Cà Mau đã tiếp đón tổng cộng 76 chuyến tàu với hơn 4.200 tấn vũ khí, đạn dược từ tiền tuyến lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Cùng với các bến khác tại Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa… số lượng tàu cập bến ở Cà Mau (chủ yếu Bến Vàm Lũng) chiếm hơn 50% lượt tàu "không số", trực tiếp góp phần cùng các lực lượng vũ trang giành nhiều thắng lợi oanh liệt, qua đó làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Dù thời gian đã trôi qua, giá trị lịch sử của Bến Vàm Lũng vẫn trường tồn. Ngày 10/11/2010, nơi đây được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Lực lượng vận tải trên tuyến đường biển vinh dự nhận nhiều danh hiệu cao quý, với 12 tập thể và 15 cá nhân được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó Đoàn 125 được vinh danh hai lần.

Ngày 26/11/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg, công nhận “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có Bến Vàm Lũng tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Để duy trì tuyến đường huyền thoại, nhiều chiến sĩ đã hy sinh, mãi mãi nằm lại nơi biển cả. Cụm từ “tàu không số” không chỉ là biểu tượng của sự sáng tạo mà còn khơi dậy niềm tự hào và xúc động trong lòng người dân Việt Nam. Ông Luân nhấn mạnh: “Cà Mau có 55 di tích được công nhận các cấp, trong đó bến Vàm Lũng thuộc đường Hồ Chí Minh trên biển là di tích đầu tiên của tỉnh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt”.
Nguồn: Tổng hợp
Ảnh: Internet