Hàng loạt doanh nghiệp FDI lo phá sản vì điều chỉnh giá FIT, nguy cơ rút lui khỏi Việt Nam
28 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã cùng ký tên vào kiến nghị khẩn cấp gửi Chính phủ và Bộ Công Thương vì đứng trước nguy cơ phá sản.
Ngày 28/3, tại buổi chia sẻ của các doanh nghiệp FDI đầu tư điện tái tạo, một số nhà đầu tư đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc đối mặt với nguy cơ phá sản nếu chính sách giá điện FIT bị điều chỉnh.
Doanh nghiệp lo mất khả năng trả nợ, phá sản
Theo VnExpress, ông Trần Minh Tiến – Giám đốc điều hành các nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 1-2 và Mỹ Sơn 1-2 của Công ty Bangkok Glass Energy (BGE) cho biết công ty đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu các dự án bị điều chỉnh về giá FIT 2 (7,09 cent/kWh) thay vì giá FIT 1 (9,35 cent/kWh) như khi đầu tư. Đáng chú ý, BGE đã mua lại các dự án từ đối tác khác với suất đầu tư cao, nên việc bị cắt giảm giá bán điện sẽ dẫn đến thua lỗ và mất khả năng trả nợ.
![]() |
Nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo lo phá sản vì điều chỉnh giá FIT |
>> Nhiều chủ đầu tư năng lượng tái tạo cầu cứu khẩn cấp Chính phủ vì lo phá sản
Tương tự, đại diện B.Grimm Power Việt Nam – nhà đầu tư Thái Lan đang triển khai hai dự án điện mặt trời tổng công suất 500MWp cũng cho biết công ty đã vay vốn từ Ngân hàng BIDV (BID) để thực hiện dự án. Nếu bị áp giá FIT 2 hoặc thấp hơn, doanh nghiệp sẽ không thể hoàn vốn và gặp rủi ro mất khả năng chi trả.
Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất điện, các nhà đầu tư tài chính cũng gặp khó khăn. Dragon Capital, quỹ đầu tư ngoại đang sở hữu ba dự án điện tái tạo tại Việt Nam, cho biết họ chưa nhận được thanh toán từ tháng 9/2023. Ông Nguyễn Hữu Quang – Giám đốc đầu tư mảng năng lượng sạch của Dragon Capital cho rằng việc hồi tố giá điện dựa trên ngày cấp văn bản nghiệm thu là thiếu căn cứ pháp lý và không có trong các quy định trước đây.
“Hiện công ty mẹ tại Singapore đang phải bù lỗ để trả nợ thay cho một dự án 40MWp tại Việt Nam. Nếu tình hình không được tháo gỡ, rất khó để chúng tôi tiếp tục đầu tư lâu dài”, ông Quang nói.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc rút vốn khỏi Việt Nam
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện có 173 nhà máy điện mặt trời và điện gió nối lưới đang gặp vấn đề tương tự, trong đó gần 150 nhà máy điện mặt trời tập trung đã vận hành nhưng vẫn chưa được thanh toán đầy đủ.
Các doanh nghiệp FDI cho biết họ đến Việt Nam với kỳ vọng môi trường đầu tư ổn định, minh bạch. Tuy nhiên, các thay đổi chính sách gần đây khiến họ cân nhắc khả năng thoái vốn khỏi thị trường điện tái tạo tại Việt Nam.
Vào đầu tháng 3, 28 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã cùng ký tên vào kiến nghị khẩn cấp gửi Chính phủ và Bộ Công Thương, đề nghị duy trì tính nhất quán và ổn định của chính sách giá điện. Cụ thể, nếu chính sách hồi tố được áp dụng, các dự án có thể mất gần 100% vốn chủ sở hữu, tương đương hơn 13 tỷ USD, từ đó gây mất niềm tin nhà đầu tư.
Nhóm này cho biết, tại thời điểm các dự án đạt vận hành thương mại (COD), không có quy định nào yêu cầu phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu. Quy định này chỉ mới được bổ sung trong Thông tư 10/2023, vì vậy việc áp dụng hồi tố là không phù hợp với Luật Đầu tư 2020.
“Nếu tình trạng này kéo dài hoặc xấu đi, không chỉ doanh nghiệp gặp nguy cơ phá sản mà còn đe dọa sự ổn định của thị trường tài chính và làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam", nhà đầu tư năng lượng tái tạo bày tỏ trong kiến nghị.
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin doanh nghiệp FDI báo lỗ, nghi vấn 'chuyển giá né thuế'
Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) muốn nghiên cứu năng lượng tái tạo trên hồ, mục tiêu lãi 541 tỷ năm 2025