Mặc dù nằm ở vị trí "đất vàng" nhưng dự án "bỏ hoang" đến hơn 10 năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện hàng loạt dự án rơi vào tình trạng "đứng hình" trong một thời gian dài.
Cụ thể, dự án công viên văn hóa xứ Thanh hơn 500.000m2 nằm ở phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa với hai mặt tiền là đại lộ Lê Lợi và đại lộ Hùng Vương kéo dài.
Khu vực này trước đây là đất ruộng song hiện bỏ hoang, cỏ dại mọc do không còn hệ thống thủy lợi. Một số vị trí được người dân tận dụng trồng rau màu, số khác được sử dụng làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, bãi đậu xe tự phát.
Theo phương án đề xuất thiết kế, dự án công viên xứ Thanh có các hạng mục chính như khu đền thờ trăm họ, tháp vọng cảnh, đại đình làng Việt... Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 700 tỷ đồng, còn lại là vốn xã hội hóa.
Tỉnh Thanh Hóa từng kêu gọi các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế uy tín, có kinh nghiệm vào đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình này song chưa đơn vị nào tham gia.
Đối diện dự án công viên văn hóa xứ Thanh là dự án khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, cho thuê và dịch vụ thương mại tại phường Đông Hương. UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho CTCP Xi măng Công Thanh, địa chỉ ở thị xã Nghi Sơn, làm chủ đầu tư dự án từ năm 2007.
Một năm sau, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thu hồi và giao khu đất gần 2ha bám mặt đại lộ Lê Lợi - một trong những tuyến đường lớn, sầm uất bậc nhất tỉnh Thanh Hóa cho doanh nghiệp này triển khai dự án.
Năm 2019, Công ty Xi măng Công Thanh xin điều chỉnh quy hoạch thành khu trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở kết hợp thương mại shophouse Công Thanh. Tháng 3/2020, nhà đầu tư tiếp tục đề nghị điều chỉnh dự án thành khu phức hợp thương mại và dịch vụ cho thuê Công Thanh. Tuy nhiên, đề nghị này không được tỉnh chấp thuận. Hiện dự án được bao tường và bỏ hoang.
Cũng nằm trên trục đại lộ Lê Lợi tại ngã tư giao với đường Bùi Khắc Nhất là dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hoa. Dự án ba mặt tiền triển khai giữa năm 2004 với tổng diện tích hơn 4,3ha, tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty TNHH Tây Đô.
Đây là dự án trường học liên cấp tư thục có quy mô chuẩn quốc tế đầu tiên ở Thanh Hóa thời điểm 10 năm trước, được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội học tập tốt cho con em trên địa bàn.
Dự án đã thực hiện khoảng 70% khối lượng song do vướng mắc vụ kiện về vốn vay ngân hàng nên phải dừng.
Nằm ngay gần dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hoavề hướng tây là dự án trung tâm dịch vụ tổng hợp tại phường Đông Hương cũng đang trong tình trạng dang dở.
UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này năm 2016, giao Công ty cổ phần Xe khách Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Thời gian khởi công dự án là quý III/2016 và dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2020 dự án mới được khởi công.
Khu đất nằm ở vị trí đắc địa hai mặt tiền, phía sau là dự án công viên nước Đông Hương.
Theo thiết kế, dự án trung tâm thương mại tổng hợp kết hợp khách sạn này cao 15 tầng, ngoài ra còn có nhà dịch vụ kết hợp để xe 5 tầng, cửa hàng xăng dầu và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác với tổng diện tích khoảng 6.300m2, vốn đầu tư khoảng 160 tỷ đồng.
Nhà đầu tư mới xây xong phần thô tầng 13 và dừng từ năm 2022. Hiện công trình không có công nhân làm việc, được quây tôn kín bốn phía.
Thanh Hóa là tỉnh cực Bắc miền Trung Việt Nam, là tỉnh lớn về diện tích khi đứng thứ 5 của cả nước và đông dân thứ 3 về dân số. Thanh Hóa hiện có 11/27 huyện miền núi. Với trên 1 triệu dân có các dân tộc Thái, Mường, Mông, Khơ Mú, Dao…
Hàng trăm biệt thự bỏ hoang tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam
Sau hơn thập kỷ bỏ hoang, một dự án trên 8.000m2 thuộc vùng Thủ đô chính thức bị 'khai tử'