Hàng loạt nhà máy đóng cửa hoặc phá sản, ngành lọc hóa dầu đang trong 'mùa đông khắc nghiệt'
Không chỉ tại Việt Nam, nhiều công ty lọc hóa dầu hàng đầu thế giới báo lợi nhuận suy giảm hoặc lỗ trong quý III/2024. Một số nhà máy buộc phá sản hoặc tạm dừng hoạt động để chờ qua "mùa đông khắc nghiệt".
Gần đây, Siam Cement Group (Thái Lan) cho biết đã phải tạm dừng vận hành thương mại Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn từ giữa tháng 10/2024, chỉ nửa tháng sau khi đi vào hoạt động, do điều kiện thị trường chưa thuận lợi. Đây là dự án FDI lớn nhất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và hàng đầu cả nước, với vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, quy mô 464ha diện tích mặt đất và 194ha diện tích mặt nước (hệ thống cảng biển).
Việc hoàn thành dự án nhưng không thể vận hành ngay sẽ khiến doanh nghiệp này đối diện nhiều áp lực, bao gồm chi phí khấu hao tài sản, lãi vay và chi phí duy trì bộ máy. Công ty cho biết sẽ tập trung bảo quản cơ sở vật chất, thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí và đầu tư phát triển năng lực cho 1.000 nhân viên.
Tuy nhiên, đây dường như là quyết định sáng suốt trong bối cảnh ngành hóa dầu đang trong "mùa đông khắc nghiệt". Tại Việt Nam, Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) từng đạt đỉnh cao lợi nhuận vào năm 2022 với khoản lãi ròng 14.669 tỷ đồng, nhưng 9 tháng đầu năm 2024 mới chỉ lãi 674 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Trên thế giới, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lọc hóa dầu cũng không khả quan trong quý III/2024. Cụ thể:
Tại Mỹ, Phillips 66 lãi 859 triệu USD, giảm mạnh so với 2,1 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái; mảng lọc dầu lỗ 108 triệu USD, trong khi cùng kỳ lãi 1,7 tỷ USD. HF Sinclair ghi nhận lãi ròng 96,5 triệu USD, giảm so với 760,4 triệu USD năm trước; mảng lọc dầu lỗ 212,2 triệu USD, còn năm trước lãi 916,1 triệu USD. PBF Energy lỗ ròng 289,1 triệu USD, trong khi năm trước lãi 1,08 tỷ USD. Chevron giảm lợi nhuận 21%, chỉ đạt 4,5 tỷ USD so với 5,7 tỷ USD cùng kỳ; riêng mảng lọc dầu, Valero Energy giảm lợi nhuận còn 565 triệu USD so với 3,4 tỷ USD năm trước.
Tại châu Âu, Tập đoàn TotalEnergies của Pháp giảm 37% lợi nhuận ròng so với cùng kỳ năm trước và giảm 12,7% so với quý trước. Tập đoàn BP của Anh giảm 31% lợi nhuận so với cùng kỳ, từ 3,29 tỷ USD xuống còn 2,27 tỷ USD - mức thấp nhất trong gần 4 năm. Shell tại Anh cũng giảm 600 triệu USD lợi nhuận trong mảng hóa chất và lọc dầu.
Tại châu Á, Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (Indian Oil) giảm 98,6% lợi nhuận ròng, chỉ còn 21,4 triệu USD. Tập đoàn Sinopec (Trung Quốc) giảm 52,1% lợi nhuận ròng so với cùng kỳ, đạt 1,2 tỷ USD.
Đặc biệt, tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng của các nhà máy lọc dầu càng trở nên nghiêm trọng. Tháng 9/2024, hai nhà máy lọc dầu là Zhenghe và Shandong Huaxing tại tỉnh Sơn Đông do Sinochem vận hành đã tuyên bố phá sản. Hai nhà máy này có tổng công suất chế biến khoảng 300.000 thùng/ngày. Nguyên nhân đóng cửa của 2 nhà máy này được cho là do biên lợi nhuận giảm mạnh và nhu cầu thị trường yếu. Một nhà máy khác của Sinochem là Shandong Changyi cũng đã phải tiến hành họp với các ngân hàng, nhà đầu tư để thảo luận về việc tái cơ cấu nợ nhằm tránh phá sản.
Nguyên nhân đến từ đâu?
Giá dầu thô về vùng thấp nhất kể từ năm 2021 |
Theo Petrotimes, khó khăn của ngành lọc dầu toàn cầu trong quý III/2024 đến từ 3 yếu tố chính: giá dầu thô suy giảm mạnh, biên lợi nhuận lọc dầu giảm sút và nhu cầu tiêu thụ yếu.
Ví dụ, thị trường Trung Quốc, nhu cầu xăng dầu và các sản phẩm công nghiệp giảm do kinh tế tăng trưởng chậm lại. Sự suy giảm nhu cầu nhiên liệu đang khiến nhiều doanh nghiệp lọc dầu tại Trung Quốc gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận ổn định. Áp lực cạnh tranh cũng buộc các doanh nghiệp phải tăng năng suất và giảm chi phí để duy trì khả năng cạnh tranh.
Trước những thách thức này, các chuyên gia cho rằng ngành lọc dầu toàn cầu cần tái cơ cấu, chuyển hướng sang các nguồn năng lượng thay thế hoặc đầu tư vào công nghệ mới để giảm chi phí. Bên cạnh đó, một số công ty đã bắt đầu thảo luận về khả năng hợp tác hoặc mua lại các doanh nghiệp nhỏ hơn nhằm củng cố thị phần và giảm thiểu tác động từ biến động giá dầu.
Cạnh tranh 'gay gắt' làm cảng 50.000 tỷ đồng: Thêm một ông lớn viết thư gửi Thủ tướng
Nhận định chứng khoán 11-15/11: Nhà đầu tư chú ý ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm