Thế giới

‘Hàng rẻ’ Trung Quốc khiến hàng chục nghìn công nhân Thái Lan, Indonesia…mất việc, chuyện gì đã xảy ra?

Linh Châu 24/08/2024 20:15

Một số quốc gia Đông Nam Á đang cân nhắc tăng rào cản thương mại với hàng giá rẻ Trung Quốc, đặc biệt là hàng nhập khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử.

Tăng rào cản thương mại

Khi nhà máy dệt ở Bandung, Tây Java (Indonesia), bắt đầu sa thải công nhân vào tháng 1, Kurniadi Eka Mulyana (một công nhân của nhà máy) cảm thấy rất lo lắng. Người đàn ông 26 tuổi này bắt đầu làm việc tại nhà máy hai năm trước sau khi mất việc tại một công ty sản xuất dệt may khác.

‘Hàng rẻ’ Trung Quốc khiến hàng chục nghìn công nhân Thái Lan, Indonesia…mất việc, chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 1
Một số quốc gia Đông Nam Á đang cân nhắc tăng rào cản thương mại với hàng giá rẻ Trung Quốc

Nhưng sau tất cả, Mulyana cũng bị sa thải vào tháng 3 năm nay. Các nhà quản lý tại nhà máy nói rằng doanh số và doanh thu của công ty đã giảm đáng kể từ khi TikTok Shop ra mắt tại Indonesia vào năm 2021. Nền tảng này bán hàng hóa giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc cho người xem video.

Khoảng 49.000 công nhân Indonesia trong ngành dệt may và giày dép đã bị sa thải trong năm nay vì các nhà máy ở các tỉnh Banten, Tây Java và Trung Java đóng cửa.

Để đáp lại phản ánh của các nhà sản xuất hàng dệt may, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan vào tháng 6 cho biết Chính phủ sẽ xem xét áp thuế lên tới 200% đối với vải nhập khẩu. Ông chỉ ra rằng các loại thuế mới cũng đang được xem xét để giải quyết tình trạng nhập khẩu gốm sứ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử tăng mạnh.

Một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang có động thái tương tự. Vào tháng 1, Malaysia đã áp dụng thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu được mua trực tuyến với giá dưới 500 ringgit (108 USD). Trước đây, những mặt hàng như vậy được miễn thuế bán hàng, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Nikkei Asia, Thái Lan trong tháng này cũng đã mở rộng thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với các giao dịch mua hàng có giá trị dưới 1.500 baht (42 USD).

Aat Pisanwanich, chuyên gia từng làm việc tại Đại học Thương mại Thái Lan cho biết hơn 15% GDP của nước này đến từ Trung Quốc. Làn sóng du lịch từ Trung Quốc đến Thái Lan, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như vốn FDI từ Trung Quốc sang Thái Lan tác động rất lớn đến nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á.

‘Hàng rẻ’ Trung Quốc khiến hàng chục nghìn công nhân Thái Lan, Indonesia…mất việc, chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 2
Hàng hóa Trung Quốc giá rẻ - được bán qua các nền tảng thương mại điện tử - đang tràn vào Đông Nam Á

Thế khó

Làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc đã đặt nhiều Chính phủ ở Đông Nam Á vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Trong khi các nhà bán lẻ và nhà sản xuất nội địa muốn được bảo vệ trước sự cạnh tranh không lành mạnh, các quan chức lại đang tìm cách thu hút doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào hoạt động sản xuất trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Ngày càng khó để cân bằng các mục tiêu này trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ảm đạm nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Đông Nam Á giảm xuống. Điều này cũng khiến các công ty Trung Quốc đang dư thừa công suất tìm cách bán hàng tồn kho với giá rẻ.

Tất cả những điều này đang khiến sự mất cân bằng trong cán cân thương mại giữa Đông Nam Á và Trung Quốc tăng lên, khiến ngày càng nhiều bên liên quan kêu gọi các Chính phủ có hành động với hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

Năm ngoái, Đông Nam Á và các thị trường châu Á mới nổi khác chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, theo tính toán của các nhà kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Thái Lan, sau Mỹ và cũng là thị trường nhập khẩu hàng đầu của nước này (chiếm khoảng 25% kim ngạch nhập khẩu).

Thâm hụt thương mại của Thái Lan với Trung Quốc ngày càng gia tăng, từ mức 20 tỷ USD năm 2020 lên 36,6 tỷ USD năm 2023. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Malaysia với Trung Quốc thậm chí tăng mạnh hơn, từ 3,1 tỷ USD năm 2020 lên 14,2 tỷ USD hồi năm ngoái.

‘Hàng rẻ’ Trung Quốc khiến hàng chục nghìn công nhân Thái Lan, Indonesia…mất việc, chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 3
Nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Trung Quốc của ba quốc gia Indonesia, Malaysia và Thái Lan

Indonesia đã làm tốt hơn nhờ xuất khẩu kim loại sang Trung Quốc tăng. Jakarta thậm chí còn đạt được thặng dư thương mại song phương 2 tỷ USD vào năm ngoái.

Theo các nhà phân tích, mất cân bằng thương mại gia tăng bắt nguồn một phần từ việc các công ty quốc tế và cả các công ty Trung Quốc dịch chuyển một phần dây chuyền sản xuất và lắp ráp từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.

Charles Austin Jordan, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại công ty nghiên cứu chính sách Mỹ Rhodium Group nhận định: “Trung Quốc xem việc đầu tư tại các quốc gia khác như một chiến lược phòng ngừa rủi ro. Sự dịch chuyển này khiến nhu cầu nguyên liệu thô từ Trung Quốc và hàng hóa trung gian từ Đông Nam Á giảm xuống, đồng thời làm gia tăng dòng chảy các mặt hàng này ở chiều ngược lại. Trong nhiều trường hợp, hàng hóa thành phẩm được xuất sang các thị trường phương Tây”.

Trên thực tế, trong quý đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Đông Nam Á sang Mỹ đã vượt kim ngạch xuất sang Trung Quốc 10 tỷ USD. Theo đó, Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của khu vực này, Nikkei viết.

Sự thay đổi này cũng tạo ra những phức tạp mới về thương mại. Tháng trước, Mỹ đã áp dụng lại mức thuế quan lên tới 250% với tấm pin năng lượng mặt trời do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất tại Campuchia, Malaysia, Thái Lan…xuất sang Mỹ.

Trước tình hình này, Bộ Ngoại thương Thái Lan đã đề xuất mức thuế quan 30,9% với thép cuộn nóng – vật liệu được dùng trong sản xuất ô tô, máy móc và xây dựng cầu đường.

Thép là lĩnh vực bị thiệt hại lớn nhất do thép giá rẻ Trung Quốc. Năm ngoái, sản lượng thép của nước này giảm 497.000 tấn, tương đương 7%. Khoảng 1.300 nhà máy thép của Thái Lan đã phải đóng cửa trong năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm nay, thêm 500 nhà máy khác đóng cửa, khiến 15.342 người mất việc, theo Bộ Việc làm Công nghiệp Thái Lan.

‘Hàng rẻ’ Trung Quốc khiến hàng chục nghìn công nhân Thái Lan, Indonesia…mất việc, chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 4
Nhà máy thép AG tại Thái Lan: Khoản lỗ trong quý I gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước

Theo tính toán của Trung tâm Tình báo Kinh tế thuộc Ngân hàng Thương mại Siam, với mỗi 100.000 tấn sản lượng thép giảm, GDP của nước này sẽ giảm 0,2%.

Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á không tính Nhật Bản của ngân hàng Nomura nhận định: “Việc Trung Quốc tăng xuất khẩu hàng hóa dư thừa không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu nội địa mà cả doanh thu trên thị trường quốc tế của các công ty Đông Nam Á. Tuy nhiên, do lo ngại các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh, các quan chức Đông Nam Á khẳng định rằng đang tăng thuế quan với hàng nhập khẩu nói chung chứ không riêng hàng Trung Quốc”.

Theo Chaovalit Pakpianthakolphol, Chủ tịch ban xúc tiến xuất khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, hai kênh phân phối hàng Trung Quốc lớn nhất tại Thái Lan là Lazada và Shopee. “Với hai kênh này, họ không cần phải đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Thái Lan”, ông Pakpianthakolphol cho biết.

‘Hàng rẻ’ Trung Quốc khiến hàng chục nghìn công nhân Thái Lan, Indonesia…mất việc, chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 5
Một trong hai kênh phân phối hàng Trung Quốc lớn nhất tại Thái Lan là Shopee (ảnh minh họa)

Còn theo ông Ristadi, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quốc gia Indonesia, hàng Trung Quốc đang ngập tràn ở cả các kênh bán hàng truyền thống lẫn trực tuyến ở Indonesia.

Theo ông Aat Pisanwanich, người tiêu dùng Thái Lan giờ đây có thể mua một chiếc ốp lưng điện thoại bằng silicon có với giá chỉ 35 baht (hơn 25 nghìn đồng) trên Lazada, trong khi mức giá rẻ nhất của một sản phẩm tương tự trong một trung tâm bách hóa thường là 400 baht.

Tác động rộng lớn

Các quốc gia châu Á khác ngoài ASEAN cũng đang phải vật lộn với những vấn đề tương tự. Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, lần đầu tiên ghi nhận thâm hụt thương mại với Trung Quốc sau 31 năm vào năm 2023.

Mặc dù các công ty Hàn Quốc vẫn dẫn đầu trước Trung Quốc về các mặt hàng công nghệ cao như chất bán dẫn, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng nước này đang tìm kiếm các giải pháp thay thế rẻ hơn cho các mặt hàng cơ bản như đồ gia dụng, quần áo và phụ kiện.

Các công ty cũng đang tìm nguồn cung ứng nhiều sản phẩm công nghệ cao hơn từ Trung Quốc, bao gồm điện thoại thông minh và pin.

Các nhà phân tích đã liên kết sự gia tăng dòng hàng hóa Trung Quốc vào Hàn Quốc với sự gia tăng các vụ phá sản của công ty. Gần 1.000 công ty Hàn Quốc đã nộp đơn xin phá sản trong nửa đầu năm, tăng so với 724 công ty trong cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, thay vì siết chặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vào tháng 5, Chính phủ Hàn Quốc đã đồng ý đẩy nhanh việc mở rộng Hiệp định thương mại tự do hiện có của nước này với Trung Quốc cũng như đẩy mạnh các cuộc đàm phán về một Hiệp định ba bên bao gồm cả Nhật Bản.

Dẫu vậy, Hàn Quốc cũng tìm ra giải pháp một phần cho cán cân thương mại đang xấu đi với Trung Quốc bằng cách tập trung nhiều hơn vào Mỹ, quốc gia gần đây đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Seoul, cũng như vào châu Âu. Sự thay đổi này đã giúp Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm trong chín tháng qua.

Tương tự, Úc cũng thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sau nhiều năm Trung Quốc áp dụng lệnh cấm vận thương mại không chính thức đối với các lô hàng rượu vang, thịt bò, gỗ, than và các mặt hàng khác được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị. Hầu hết các rào cản thương mại đã được dỡ bỏ trong năm qua khi Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese nỗ lực xây dựng lại mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Các sản phẩm ngách khác phải đối mặt với lệnh cấm vận từ Bắc Kinh trong những năm gần đây bao gồm len từ New Zealand, rượu từ Pháp và chuối từ Philippines. Những người nông dân trồng sầu riêng ở Thái Lan cũng đang tỏ ta cẩn trọng hơn nếu có bất kỳ căng thẳng nào giữa Bangkok và Bắc Kinh.

Theo Nikkei

>> Hàng loạt siêu dự án bất động sản giảm giá bán 20-30%, chuyện gì đang xảy ra tại siêu cường số 1 châu Á?

Hàng Trung Quốc giá rẻ tràn lan khiến 3.500 doanh nghiệp đóng cửa, Thái Lan tung biện pháp ứng phó khẩn cấp

Ngược đời ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới: Không phải xe cộ, các 'gã khổng lồ' thương mại điện tử mới là những kẻ tiêu thụ dầu nhiều nhất

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/hang-re-trung-quoc-khien-hang-chuc-nghin-cong-nhan-thai-lan-indonesiamat-viec-chuyen-gi-da-xay-ra-125849.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Hàng rẻ’ Trung Quốc khiến hàng chục nghìn công nhân Thái Lan, Indonesia…mất việc, chuyện gì đã xảy ra?
    POWERED BY ONECMS & INTECH