Trong đó có doanh nghiệp trên sàn như Chiếu xạ An Phú (APC) nợ thuế 17 tỷ đồng, bị cưỡng chế phong tỏa tài khoản.
Cục thuế tỉnh Bình Dương vừa công bố một loạt các quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Danh sách bị “bêu tên” gồm rất nhiều cái tên quen thuộc như Chiếu xạ An Phú (mã chứng khoán APC); Vận tải Hưng Phát; Bất động sản Thuận An…
Chỉ tính riêng trong ngày 26/4/2023 Cục thuế tỉnh Bình Dương đã ra 7 quyết định về cưỡng chế thi hành thuế đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Còn tính từ đầu năm 2023 đến nay đã có hàng trăm doanh nghiệp nhận "trát" của Cục thuế tỉnh.
Trong số đó, Chiếu Xạ An Phú (APC) là doanh nghiệp có cổ phiếu đang niêm yết trên HoSE.
Chiếu xạ An Phú nợ 17 tỷ đồng tiền thuế
Theo thông báo Chiếu xạ An Phú đã nợ tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp thuế quá 90 ngày, số tiền hơn 17 tỷ đồng. Cục thuế tỉnh Bình Dương yêu cầu cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa đối với tài khoản của Chiếu xạ An Phú mở tại Vietcombank chi nhánh Nam Bình Dương để thi hành thông báo nợ thuế.
Cục thuế tỉnh Bình Dương cũng nhấn mạnh trường hợp số tiền trên tài khoản của Chiếu xạ An Phú nhỏ hơn số tiền trên quyết định cưỡng chế thì Vietcombank vẫn phải trích số tiền còn lại, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản trong thời gian quyết định còn hiệu lực. Quyết định có hiệu lực trong vòng 30 ngày từ 26/4 đến 25/5/2023.
Chiếu xạ An Phú đã công bố BCTC quý 1/2023, trong đó tình hình tài chính ghi nhận tiền và tương đương tiền đến 31/3/2023 còn hơn 9,8 tỷ đồng – trong đó tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn hơn 9,5 tỷ đồng, còn lại 264 triệu đồng tiền mặt tại quỹ. Ngoài ra công ty có khoản tiền gửi tiết kiệm hơn 70,7 tỷ đồng (giảm 33 tỷ đồng so với đầu năm). Như vậy tiền trong tài khoản phong tỏa không đủ trả nợ, nhưng nếu “bóc” sổ tiết kiệm ra, Chiếu xạ An Phú vẫn có thể trả nợ thuế.
Tình hình kinh doanh, Chiếu xạ An Phú vừa báo lỗ hơn 15 tỷ đồng quý 1/2023 – quý lỗ thứ 2 liên tiếp.
Bất động sản Hưng Phát nợ thuế hơn 100 tỷ đồng
Công ty TNHH Bất động sản Hưng Phát – doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký tại Khu phố Trung, phường Vĩnh Phú, Thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương đang có khoản nợ thuế hơn 109,7 tỷ đồng và không chấp hành thông báo thi hành thuế.
Bất động sản Hưng Phát bị cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn 1 năm, từ 3/3/2023 đến 3/3/2024.
Bất động sản Thuận An: Ngừng sử dụng hóa đơn 1 năm
Một doanh nghiệp ngành bất động sản – là CTCP Bất động sản Thuận An cũng bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn trong 1 năm, từ 21/4/2023 đến 21/4/2024. Nguyên nhân do Bất động sản Thuận An nợ thuế hơn 37,5 tỷ đồng và không chấp hành thông báo thi hành nộp thuế.
Bất động sản Trung Quân: Ngừng sử dụng hóa đơn 1 năm
Công ty TNHH Một thành viên Bất động sản Trung Quân cũng bị cưỡng chế thuế bằng hình thức ngừng sử dụng hóa đơn 1 năm từ 13/4/2023 đến 12/4/2023. Nguyên nhân do Bất động sản Trung Quân còn nợ thuế 19 tỷ đồng và không chấp hành thông báo thi hành nộp thuế.
Indochi Stone Việt Nam: Ngừng sử dụng hóa đơn 1 năm
CTCP Indochi Stone Việt Nam nợ thuế 27 tỷ đồng – và bị cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn trong 1 năm từ 21/4/2023 đến 21/4/2024.
Kịch bản nào sẽ xảy ra?
Theo quy định, có nhiều biện pháp cưỡng chế thuế, trong đó nhẹ nhất là trích tiền từ tài khoản doanh nghiệp và nặng nhất là thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trong thời gian bị cưỡng chế hóa đơn, nếu doanh nghiệp vẫn cố tình sử dụng hóa đơn bị cưỡng chế thì những hóa đơn này được coi là hóa đơn bất hợp pháp. Đối với trường hợp sử dụng hoá đơn bất hợp pháp khi đã bị cưỡng chế ngừng sử dụng, sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 50 triệu đồng và “buộc huỷ hoá đơn đã sử dụng”.
Tuy vậy Căn cứ theo Điểm d, Khoản 4, Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định: "Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn mà người nộp thuế có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì cơ quan thuế tiếp tục cho người nộp thuế sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh với điều kiện người nộp thuế phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước".
Như vậy doanh nghiệp chỉ được có văn bản đề xuất sử dụng hoá đơn từng lần riêng lẻ để có nguồn thanh toán tiền lương, các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục và phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hoá đơn nếu muốn sử dụng hoá đơn nào đó theo đúng quy định.
Việt Nam mong muốn tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn Hàn Quốc
2 doanh nghiệp sắp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 35%