Hệ lụy khủng khiếp từ tình trạng bất ổn kinh tế ở nhiều khu vực
Bất ổn kinh tế đang xảy ra ở nhiều quốc gia, làm bùng phát các cuộc biểu tình, khiến xung đột lan rộng, gây ra tình trạng bất ổn cũng như đe dọa đến nhiều khía cạnh.
Các quốc gia kém phát triển đang phải gánh chịu nhiều hệ lụy từ khủng hoảng kinh tế.
Tại Kenya - quốc gia đang đối mặt với gánh nặng nợ khổng lồ, các cuộc biểu tình phản đối đề xuất tăng thuế vào tuần trước đã khiến hàng chục người thiệt mạng, nhiều người bị bắt cóc cũng như phá hủy nhiều ngôi nhà.
Cùng lúc đó tại Bolivia – quốc gia đối diện với tình trạng thiếu xăng, các cuộc biểu tình cũng nổ ra nhằm phản đối chính sách kinh tế của của Tổng thống Luis Arce.
Không chỉ các nước kém phát triển, các nền kinh tế tiên tiến cũng đối diện với những thách thức của riêng mình.
Tại Pháp, những thách thức về suy giảm thu nhập và chi phí tăng cao đã thúc đẩy nông dân thực hiện các cuộc biểu tình, làm gia tăng bất ổn chính trị. Bằng việc đưa ra cam kết sẽ giải quyết những thách thức này, phe cực hữu dễ dàng vươn lên chiếm ưu thế trước đảng cầm quyền của Tổng thống Macron trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội Pháp vào ngày 1/7.
Việc phải đối mặt với những triển vọng kinh tế u ám đã khiến nhiều người dân mất niềm tin vào chính phủ. Nouriel Roubini, nhà kinh tế học tại Đại học New York, cho biết: “Khủng hoảng kinh tế đang là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến bất ổn chính trị”.
Trong những tháng gần đây, những lo ngại về kinh tế đã dẫn đến các cuộc biểu tình trên thế giới, từ các quốc gia có thu nhập cao và nền kinh tế ổn định như: Ba Lan và Bỉ, cho đến các quốc gia đang phải vật lộn với gánh nặng nợ như Argentina, Pakistan, Tunisia, Angola và Sri Lanka.
Ngày 5/7, Tổng thống Sri Lanka, Ranil Wickremesinghe cảnh báo: “Nếu không thiết lập sự ổn định kinh tế, chúng ta có thể phải đối mặt với tình trạng bất ổn tương tự như Kenya”.
Ngay cả với Mỹ - quốc gia chứng kiến những tín hiệu lạc quan dần đến với nền kinh tế, lo ngại về triển vọng phát triển trong thời gian tới khiến các cử tri ngày càng dần sự ủng hộ cho cựu Tổng thống Donald Trump. Trong một cuộc thăm dò gần đây, phần lớn cử tri Mỹ cho rằng kinh tế là vấn đề quan trọng nhất của cuộc bầu cử.
Thông thường, các quốc gia kém phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các cuộc khủng hoảng kinh tế. Không chỉ phải gánh chịu áp lực nợ khổng lồ, người dân ở những nơi này đang phải gánh chịu hậu quả từ việc giá cả tăng cao.
Gần một nửa dân số Châu Phi đang phải gánh chịu những khoản chi phí y tế và giáo dục đắt đỏ.
Nhiều nước đang phải loay hoay tìm cách giải quyết thách thức kinh tế. Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, cho biết các quốc gia không thể vay do điều này chỉ làm tăng gánh nặng nợ.
“Về cơ bản có hai cách để thanh toán các khoản nợ. Một là in tiền và hai là tăng thuế. Tuy nhiên, hai cách này đều dẫn đến những nguy cơ nghiêm trọng: biện pháp thứ nhất sẽ khiến lạm phát tăng cao trong khi cách thứ hai sẽ khiến bất ổn chính trị gia tăng” – ông cho biết.
Vào tháng 6, việc chính phủ Kenya tăng thuế đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối. Hàng nghìn người biểu tình tràn vào Quốc hội ở Nairobi. Theo các nhóm nhân quyền, ít nhất 39 người thiệt mạng và 300 người bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát. Ngày hôm sau, Tổng thống William Ruto đã rút lại việc tăng thuế.
Tại Pakistan, giá bột mì và điện tăng cao đã gây ra làn sóng biểu tình bắt đầu ở Kashmir và lan rộng tới hầu hết các thành phố lớn trong tuần này. Tình trạng bất ổn đã buộc các thương nhân phải đóng cửa hàng vào ngày 1/7.
Ahmad Chauhan, một người bán dược phẩm ở Lahore cho biết: “Chúng tôi không thể chịu được gánh nặng từ việc tiền điện và thuế tăng cao. Việc kinh doanh của chúng tôi đang gặp khó khăn và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phản đối.”
Ngay cả những nền kinh tế tiên tiến cũng đang đối diện với nhiều thách thức. Nông dân châu Âu lo ngại các chính sách về môi trường, chống biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của mình. Ngoài ra, những lo ngại về suy giảm tiền lương đang ngày càng gia tăng.