Bất động sản

Hệ lụy từ việc giá đất vùng ven bị 'thổi giá'

An Nhiên 23/08/2024 15:19

Việc giá đất liên tục bị đẩy lên cao sau phiên đấu giá tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, gây ùn ứ dòng tiền, người có nhu cầu thực sẽ khó có cơ hội sở hữu.

Phiên đấu giá xuyên đêm lộ nhiều điểm bất thường

Lần đầu tiên khu vực huyện ngoại thành Hà Nội ghi nhận một phiên đấu giá kỷ lục kéo dài 19 giờ đồng hồ, kết thúc vào rạng sáng ngày hôm sau với lô đất được đấu cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng/m2; thấp nhất 91,3 triệu đồng/m2.

Trước khi phiên đấu giá diễn ra đã ghi nhận lượng quan tâm rất lớn với hơn 700 bộ hồ sơ của khoảng 400 người tham gia đấu giá. Mức giá khởi điểm thấp nhất từ 7,3 triệu đồng/m2.

Sau 9 vòng, lô LK03-12 trúng được đấu giá cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng/m2, cao gấp hơn 18 lần giá khởi điểm.

Giá đất vùng ven Hà Nội đang bị đẩy giá lên khá cao so với mặt bằng chung. Ảnh: Internet

Giá đất vùng ven Hà Nội đang bị đẩy giá lên khá cao so với mặt bằng chung. Ảnh: Internet

Lô LK03-12 là thửa góc có 3 mặt tiền, rộng hơn 113m2, được trả hơn 15 tỷ đồng.

Mặt bằng giá chung tại khu vực này trước khi diễn ra phiên đấu giá ở vào khoảng 90-100 triệu đồng/m2, trong đó có nhiều khu đất sẽ được hưởng lợi sau khi Dự án Vành đai 4 hoàn thành.

>> Chuyên gia chỉ ra điểm cốt yếu của thị trường BĐS trong chu kỳ mới

Việc đất khu vực xã Tiền Yên được đẩy giá cao hơn so với khu vực xung quanh, đặc biệt, có giá nhỉnh hơn hẳn so với khu vực An Khánh (gần với trung tâm TP. Hà Nội) khiến nhiều người không khỏi cảm thấy khó hiểu.

Thêm nữa, việc các cơ quan báo chí đồng loạt ghi nhận việc các lô đất vừa "rời sàn" vẫn chưa "hết nóng" đã được rao bán ngay với mức chênh lên cao nhất 600 triệu đồng/lô cũng gây sự chú ý.

Những hệ lụy phía sau việc "kích sóng" giá đất

Theo nhận định của TS. Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường BĐS Việt Nam, việc hình thành nên các "cơn sốt đất" ở các huyện vùng ven như Thanh Oai, Hoài Đức... với mức giá trúng cao hơn so với thị trường một phần do các nhóm đầu cơ thao túng, thổi giá.

Chung quan điểm với ông Lượng, anh Q., người từng làm việc lâu năm trong ngành BĐS cho rằng mức trúng cao gấp 18 lần khởi điểm trong phiên đấu giá đêm 19/8 tại Hoài Đức có thể do một số hội nhóm hoặc cò đất đến từ nơi khác "đẩy giá" lên.

Việc đẩy giá đất lên cao sẽ gây ứ đọng dòng tiền vào đất. Ảnh: Internet

Việc đẩy giá đất lên cao sẽ gây ứ đọng dòng tiền vào đất. Ảnh: Internet

Anh Q. cho rằng đây không phải là hiện tượng lần đầu mới diễn ra khi cách đây vài năm trước, "cò đất" cũng đã từng gây nhiễu thị trường ở một số địa phương như Thái Bình, khi giá đất trong thôn lên đến 40-50 triệu đồng/m2.

Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, kết quả đấu giá đất với mức cao như vậy sẽ khiến cho chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án mới trở nên đắt đỏ hơn.

Với mức giá trúng đấu giá cao hơn so với mặt bằng chung từ 2-3 lần, người dân sở hữu đất xung quanh cũng sẽ có tâm lý đẩy giá bán đất của mình theo.

Việc giá đất tăng cao đột biến sẽ tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, lúc này nhiều người sẽ đổ xô đi mua đất với hy vọng có thể kiếm lợi nhuận từ việc giá đất liên tục "leo thang".

Nhưng theo các chuyên gia, điều này sẽ gây nên tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác.

Trước thực trạng này, TS. Trần Xuân Lượng đề xuất cần tăng mức đặt cọc lên 50% giá trị ban đầu, khi có kết quả trúng đấu giá sau 1-2 năm mới được giao dịch mua bán, công chứng.

Ở một khía cạnh khác, tại Hội thảo "Động lực mới, cơ hội, thách thức từ Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan", ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề xuất việc ban hành Luật Thuế BĐS.

Theo ông Hiếu, chỉ khi can thiệp về thuế thì giá nhà đất mới có thể "tăng giảm theo đúng thị trường".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký ban hành công điện chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo đó, công điện nêu rõ, vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ 1/8, trong đó có quy định về việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, việc một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với khởi điểm có thể tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, BĐS.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan và đơn vị chức năng tiến hành rà soát công tác tổ chức công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn hành vi trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Phiên đấu giá đất tại huyện Hoài Đức dự kiến diễn ra vào ngày 26/8 tới đây sẽ bị tạm dừng để Bộ TN&MT vào cuộc thực hiện kiểm tra, rà soát, đảm bảo đúng quy định.

>> Giá đất 'lên đồng': Chuyên gia đề xuất ban hành ngay Luật Thuế bất động sản

Người lao động thu nhập thấp có cơ hội an cư vì được vay mua nhà ở xã hội lên mức tối đa

Phó Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác khẩn trương đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/he-luy-tu-viec-gia-dat-vung-ven-bi-thoi-gia-d131257.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hệ lụy từ việc giá đất vùng ven bị 'thổi giá'
    POWERED BY ONECMS & INTECH