Giá đất 'lên đồng': Chuyên gia đề xuất ban hành ngay Luật Thuế bất động sản
Theo các chuyên gia, chỉ khi can thiệp về thuế thì giá nhà đất mới "tăng giảm theo đúng thị trường".
Đất vùng ven Hà Nội "sốt nóng bất thường"
Phiên đấu giá đất xuyên đêm tại huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội) với mức giá trúng thầu lên đến 133 triệu đồng/m2 mới đây khiến không ít người phải "giật mình" và buộc phải đặt ra nhiều câu hỏi về mặt bằng chung của thị trường bất động sản.
Trước hiện tượng giá đất tại khu vực xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức đang có mức giá "nóng" hơn so với các khu vực xung quanh, thậm chí có mức cao hơn so với các vùng sát trung tâm thành phố, các chuyên gia về bất động sản cho rằng đã có dấu hiệu "đầu cơ, thổi giá".
Nhìn nhận về hiện tượng này, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cho rằng đây là hiện tượng "bất thường".
Theo GS. Đặng Hùng Võ, đất nền vùng ven Hà Nội hiện đang được "kích giá" lên mức cao, vượt qua khả năng của người dân.
Một trong những "thủ thuật" của giới môi giới bất động sản (BĐS) đang làm chính là gọi điện đi nhiều nơi để hỏi mua nhà đất, đi xem nhà đất để tạo "cầu ảo" nhằm kích giá thị trường.
Theo vị chuyên gia này, quy mô đấu giá đất vùng ven Hà Nội những ngày vừa qua rất nhỏ nên giới đầu cơ muốn thông qua đấu giá đất để đẩy giá lên cao, làm cho mọi người tin giá đất đang lên, hướng cho mọi người phải trả một mức giá cao hơn so với giá trị thật.
GS. Đặng Hùng Võ cũng chỉ ra nghịch lý tồn tại trong thực tế đó là giữa bối cảnh nhiều nhà mặt phố trung tâm của Hà Nội luôn trong tình trạng "vườn không nhà trống" do thương mại điện tử ngày càng "lên ngôi" thì giá đất nền vùng ven lại lên "vù vù"; điều này cho thấy đã có "bàn tay" của giới kinh doanh tác động vào.
>> Nóng: Công an, Sở TN&MT vào cuộc sau vụ đấu giá đất hơn 133 triệu đồng/m2
Nhìn nhận về thực trạng này, ông Đặng Hùng Võ đánh giá hiện nay Việt Nam đang thiếu công cụ quản lý thị trường đất nền.
Năm 2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định cấm phân lô bán nền do việc phân lô bán nền không phù hợp với quá trình phát triển đô thị hiện đại, nhiều người mua đất nền xong để đó, không được đầu tư nhưng vẫn tích tiền vào đó làm đất nền "sốt giá" lên nhiều lần.
Quốc hội mới đây đã thông qua Luật Kinh doanh BĐS 2023 trong đó có việc cấm phân lô bán nền ở các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1, loại 2, loại 3. Theo ông Đặng Hùng Võ, dù đã siết phân lô, bán nền nhưng công cụ còn thiếu duy nhất là thuế bất động sản nhằm ổn định giá thị trường.
Cần thiết để ban hành Luật Thuế bất động sản
Tại Hội thảo "Động lực mới, cơ hội, thách thức từ Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan", ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có những chia sẻ đáng chú ý trước tình trạng giá đất "tăng phi mã" trong thời gian qua.
Theo đó, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, nếu cơ chế chỉ dùng mỗi Luật Đất đai 2024 thực hiện trên cơ sở bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường thì giá nhà đất vẫn chỉ tăng mà không giảm.
Ông Phan Đức Hiếu cho biết, tại Nghị quyết 18 đã lưu ý, ngoài Luật Đất đai, Nhà nước cũng cần phải có chính sách thuế đánh vào người có nhiều nhà, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất.
Vị này cũng nhận định nếu Chính phủ không sớm ban hành chính sách thuế này thì sẽ khó để xử lý toàn diện vấn đề về đất đai nói chung, thị trường BĐS nói riêng.
Đi từ thực tế, ông Hiếu cho rằng không chỉ là cần thiết mà rất "cấp bách" trong việc ban hành chính sách thuế đối với BĐS (trước đó gọi nôm na là đánh thuế với căn nhà thứ hai).
Việc khởi động dự án thuế này, theo ông Hiếu sẽ tác động ngay đến thị trường BĐS, nếu không làm ngay sẽ không giải được bài toán đang còn tồn đọng này.
Chung quan điểm với ông Hiếu, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất - ông Đào Trung Chính cho rằng sẽ chỉ có giá theo nguyên tắc thị trường chứ không thể để tồn tại 2 giá trong điều hành chính sách về đất đai.
Ông Chính nhấn mạnh giá trị quyền sử dụng đất cần phải được đặt trong bối cảnh về mức thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất nhằm đảm bảo sao cho phù hợp với sức đóng góp của người mua; điều này không chỉ góp phần thu hút đầu tư mà còn đảm bảo tính kế thừa giữa bối cảnh các quy định hiện đang có sự thay đổi theo yêu cầu của Luật Đất đai 2024.
Trên thực tế, việc xây dựng về chính sách thuế BĐS đã được bàn đến nhiều lần.
Trước đó vào đầu năm 2023, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất Luật Thuế BĐS thay thế Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, nhưng các đề xuất này đều vẫn chỉ "dừng lại trong các dự kiến".
Về tiến độ, Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình Luật Thuế BĐS để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Trên thế giới, pháp luật hiện hành ở nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản... đều cho thấy cá nhân có quyền sở hữu tài sản và pháp luật cũng không cấm người dân sử dụng nhiều tài sản như nhà đất, tuy nhiên, Nhà nước có thể áp dụng thuế cao đối với những tài sản mà một cá nhân sở hữu.
Đơn cử như tại Singapore, người dân mua nhà thứ 2 sẽ chịu mức thuế 7%, mua nhà thứ 3 sẽ chịu mức thuế 10%; bán nhà trong năm đầu sẽ bị đánh thuế 16%, bán nhà năm thứ 2 sẽ bị đánh thuế 12%...
Liên quan đến vấn đề đất vùng ven Hà Nội đấu giá lên đến 133 triệu/m2 gây xôn xao thời gian vừa qua, chia sẻ trên báo Tiền Phong, TS. Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường BĐS Việt Nam đã đưa ra đề xuất cần tăng mức cọc lên 50% giá trị đầu, có kết quả trúng đấu giá phải từ 1-2 năm mới được mua bán, công chứng hoặc nếu chuyển nhượng lại trong khoảng thời gian trên thì tính thuế cao... nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá.
Trước nhiều dấu hiệu được cho là "bất thường" sau phiên đấu giá đất tại Hoài Đức, mới đây lãnh đạo Sở TN&MT xác nhận thông tin Sở này và lực lượng chức năng đang tiến hành phối hợp xác minh và làm rõ việc một nhóm người có dấu hiệu "kích sóng" đất nền.
"Chúng tôi đang đợi thời điểm đến hạn nộp tiền trúng đấu giá để xem tình hình. Việc thổi giá, tạo sóng sẽ khiến đất nền xung quanh khu vực đấu giá bị đẩy lên khiến thị trường bất động sản không được phát triển bình thường, lành mạnh", vị lãnh đạo Sở TN&MT chia sẻ trên báo Người Lao Động.
>> Hành lang pháp lý được thiết lập, phân khúc đất nền không còn chỗ 'ngáo giá'?