Thương hiệu hàng xa xỉ này dường như bất chấp các “cơn gió ngược” kinh tế.
Các tập đoàn trong ngành hàng xa xỉđang ở giai đoạn thoái trào của sự bùng nổ hậu đại địch COVID-9, khi người tiêu dùng tại Mỹ và Trung Quốc ngày càng thận trọng hơn trong các quyết định mua sắm của mình.
Các công ty từ LVMH của Pháp, đến Prada của Italy và Richemont của Thụy Sỹ, đều ghi nhận tăng trưởng doanh số giảm tốc. Tập đoàn Kering, chủ sở hữu của thương hiệu Gucci vào tuần trước đã cảnh báo lợi nhuận của họ sẽ giảm trong năm nay và thậm chí chưa thể hồi phục ngay trong năm 2024.
Dù vậy, Hermes là một ngoại lệ hiếm hoi, với doanh thu quý 3/2023 tăng 15,6% lên 3,37 tỷ euro, vượt dự đoán của giới phân tích. Thương hiệu hàng xa xỉ này dường như bất chấp các “cơn gió ngược” kinh tế, và thách thức cả quy luật nhu cầu chi phối các ngành hàng khác là giá càng tăng thì nhu cầu càng giảm.
“Giới đại gia thực sự vẫn tiếp tục mua sắm bất chấp kinh tế khó khăn. Tất nhiên là họ sẽ đắn đo và suy xét về chất lượng thương hiệu nhiều hơn, nhưng những người giàu thật sự thì chẳng tiêu ít đi đâu”, chuyên gia Enrico Massaro của Barclays nhấn mạnh.
Cũng theo Massaro, dù thương hiệu Hermes không bùng nổ mạnh trong thời kỳ tăng trưởng của hàng xa xỉ như nhiều đối thủ khác nhưng nhờ danh tiếng bền vững và phân khúc hạng siêu sang mà hãng không bị ảnh hưởng quá nặng như các đối thủ khi thị trường đi xuống.
Có thể thấy, Hermes vẫn luôn đứng vững trong các đợt khủng hoảng kinh tế. Doanh số của Hermes hầu như không chịu tổn thương trong khi hàng loạt thương hiệu lao dốc ở thị trường Trung Quốc trong thời gian Covid-19.
Hay như trước đó, dư âm của khủng hoảng kinh tế năm 2009 cũng chẳng làm gì được Hermes khi doanh số tăng 4%, trong khi báo cáo của UBS cho thấy doanh số toàn ngành hàng xa xỉ giảm 4%. Rõ ràng, cho dù giãn cách hay khủng hoảng thì người mua Hermes cũng ở một đẳng cấp khác, thừa tiền và quyền lực để đầu tư cho thương hiệu bền vững này.
Phân khúc khách hàng hạng siêu sang
Điều tạo nên một Hermes kiên cố trước biến động thị trường phải kể đến định hướng phân khúc khách hàng hạng siêu sang và không phụ thuộc quá nhiều vào khách du lịch.
“Hãy cẩn thận khi phụ thuộc doanh số vào những du khách vì họ là đối tượng người mua dễ chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố”, chuyên gia Zachary Sachs của Invesco cảnh báo.
Tại Nhật Bản, khoảng 90% doanh số của Hermes đến từ khách hàng địa phương và con số này là 75% tại thành phố New York-Mỹ, chứ không phải là các du khách nước ngoài.
Tạo hiệu ứng “khan hiếm” trên thị trường
Những thương hiệu siêu sang như Hermes cũng quản lý rất chặt các kênh bán lẻ của mình nhằm kiểm soát dòng hàng hóa cũng như giá bán. Các sản phẩm của hãng hầu như không thông qua bất kỳ nhà phân phối nào. Việc Hermes kiểm soát chặt nguồn cung và kênh phân phối đã giúp tạo nên tình trạng khan hiếm giả tạo trên thịt trường, thúc đẩy cạnh tranh giữa các người mua và giữ giá cho những sản phẩm cũ.
Giám đốc David Older của Carmignac cho hay Hermes luôn biết giữ nguồn cung sao cho thấp hơn nhiều so với nhu cầu thị trường thay vì chạy theo số lượng. Chiến lược này của Hermes khiến những chiếc túi cũ của họ thậm chí còn đắt hơn cả lúc mới mua khi giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Dù không bao giờ công bố tổng số túi Birkin có mặt trên thị trường, nhưng các chuyên gia khẳng định chỉ có khoảng 200.000 chiếc đang được lưu hành trên toàn cầu, và điều đó khiến chúng trở nên hiếm hoi hơn bao giờ hết.
Theo Baghunter, website chuyên bán và trao đổi túi xách xa xỉ, bạn không thể nào bước vào cửa hàng Hermès và mua một chiếc túi Birkin. Với mức độ "quý hiếm" hiện tại, Birkin đã trở thành một sản phẩm "siêu giới hạn" không phải có tiền là mua được, danh sách chờ của các mẫu cổ điển đã kéo dài đến 6 năm sau, đó là chưa kể đến giới thượng lưu luôn được ưu tiên.
Sự kham hiếm về số lượng đã thúc đẩy rất nhiều người giàu tìm đến thị trường thứ cấp hoặc những buổi đấu giá, qua đó càng đẩy giá dòng sản phẩm này đi lên.
Thậm chí những chiếc túi Hermes còn được Credit Suisse đánh giá là một trong những kênh đầu tư ổn định và hiệu quả nhất thời khủng hoảng.
Khoản đầu tư “siêu lợi nhuận”
Trong năm 2020 khi đại dịch diễn ra, báo cáo của Deloitte và Credit Suisse cho thấy những chiếc túi Hermes Birkin đạt lợi nhuận trung bình 38%, mức cao nhất trong số những hàng xa xỉ. Tương tự, công ty nghiên cứu AMR vào năm 2020 cho biết giá trị của túi Hermes đã tăng 83% trong suốt 10 năm qua.
Tương tự, Knight Frank Investment Index chuyên theo dõi hiệu suất của tài sản đầu tư cũng xác định túi xách là tài sản mang lại mức lợi nhuận cao nhất. Trong khi tác phẩm nghệ thuật và tem sưu tầm chỉ tăng 5-6% giá trị thì túi xách cao cấp đã tăng đến 13% trong năm 2019.
Một nghiên cứu của Baghunter cũng tiết lộ giá trị của những chiếc túi Hermes Birkin đã tăng 500% trong 35 năm qua, tức là tăng trung bình 14% giá trị mỗi năm.
Theo đó, giá bán của chiếc túi Birkin đầu tiên chỉ khoảng 2.000 USD, nhưng hiện tại một chiếc tiêu chuẩn có giá ít nhất 10.000 USD, chưa tính những mẫu Birkin độc đáo hơn, chẳng hạn như các mẫu nạm kim cương với bán lẻ với giá từ 75.000 - 300.000 USD tùy thuộc vào tình trạng, màu sắc và kích cỡ.
Xét về giá trị trung bình từ những năm 1980, túi Kirbin trở thành khoản đầu tư có lợi suất cao hơn cả danh mục cổ phiếu S&P 500 và vàng, hai tài sản được nhiều chuyên gia ưa thích.
Để đạt được vị thế trên, mỗi một chiếc Birkin được ví như "một tác phẩm nghệ thuật – không chiếc nào giống chiếc nào, thậm chí khác từng đường khâu" - theo chuyên gia túi xách của Sotheby’s, Mason Henry Howell.
Để chạm tay vào kho nguyên liệu của Hermès, nhân viên phải có nhiều năm kinh nghiệm và hầu hết phải tốt nghiệp École Grégoire-Ferrandi, ngôi trường hàng đầu nước Pháp. Những chiếc túi Birkin luôn hoàn toàn làm bằng thủ công và quá trình tạo ra một chiếc túi mất ít nhất 48 giờ làm việc tỉ mỉ.
Tỷ phú đế chế hàng hiệu LVMH bị điều tra vì dính nghi án rửa tiền