Xã hội

Hiện tượng ‘nghẽn dòng, vỡ đập’ qua thảm họa sạt lở ở Làng Nủ

Đình Hiếu 15/10/2024 08:45

Từ thảm họa sạt lở ở Làng Nủ, các nhà khoa học lưu ý hiện tượng nghẽn dòng ở sông, suối tạo thành những đập tạm, khi vỡ, nước và bùn đá đổ xuống sẽ quét đi tất cả.

Sông nghẽn dòng thành đập, khi vỡ sẽ quét đi tất cả

Phân tích những vụ sạt lở vừa qua, GS.TS Đỗ Minh Đức, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng có nhiều điểm tương đồng.

Thứ nhất, hình thế thiên tai xảy ra trong điều kiện thời tiết cực đoan, đặc biệt là mưa lớn kéo dài. Thứ hai, các trận sạt lở xảy ra ở khu vực miền núi với điều kiện địa hình, địa chất rất phức tạp. Thứ ba, do tập quán canh tác, sinh sống và phân bố dân cư ở địa hình tương đối thấp và gần khu vực dòng chảy, nên khi thiên tai xảy ra, dẫn đến thảm họa rất đáng tiếc.

w ngap lut 17 286 14414 9602.jpg
Làng Nủ sau trận lũ kinh hoàng. Ảnh: Thạch Thảo

TS. Vũ Bá Thao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Địa kỹ thuật (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cũng cho rằng, từ các trận sạt lở vừa qua, ngoài hình thái mưa lớn và kéo dài, còn có hiện tượng mưa cục bộ gây ra các trận lũ bùn.

"Ví dụ ở một số khu vực tại trung tâm bản không có mưa, nhưng lại có mưa lớn ở phía thượng nguồn gây lũ bùn. Do đó, việc phổ biến kiến thức ứng phó và xây dựng kịch bản phòng tránh cho người dân sinh sống tại các bản là rất quan trọng," ông Thao nhấn mạnh.

Với lĩnh vực khí tượng thủy văn, PGS.TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, lũ quét và sạt lở đất là một loại hình thiên tai rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

"Qua thực tế khảo sát những vụ việc vừa qua, chúng tôi nhận thấy đều có hiện tượng nghẽn dòng ở các con sông như những chiếc đập tạm, dẫn đến năng lượng rất lớn được tích tụ. Năng lượng ở đây bao gồm nước và vật liệu bùn đá; khi mưa lớn phá vỡ đập tạm, khối năng lượng bị đổ từ bên trên dồn nhanh về hạ lưu, nơi có nhiều người dân sinh sống," ông Khiêm nói.

Dự báo sớm, hành động sớm để tránh thảm họa

GS.TS Đỗ Minh Đức cho biết, với địa hình và địa chất ở nước ta, những khu vực khe suối, dòng chảy có nguy cơ tiềm tàng xảy ra sạt lở, lũ bùn đá là rất nhiều. Chưa hết, do đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm, tất cả các vĩ độ từ 8 đến 23 độ đều là vùng chịu ảnh hưởng của bão và mưa lớn.

"Dù chưa có thống kê chính xác về số lượng điểm tiềm tàng xảy ra sạt lở và lũ bùn đá, nhưng các sự cố thiên tai này phụ thuộc vào các hoạt động nhân sinh của con người. Từ đó, hoàn toàn có thể kiểm kê, đánh giá và đề xuất giải pháp phòng chống," ông Đức nói.

462453513_3477968465833661_8558962848827656226_n (1).jpg
GS.TS Đỗ Minh Đức, Trường Đại học Khoa học tự nhiên

Ông Đức dẫn chứng, các khu dân cư gần khe suối có địa hình thấp sẽ dễ chịu ảnh hưởng hơn, trong khi nơi có địa hình cao hơn khoảng 5-7m thì tác động thấp hơn.

"Nhận dạng về địa hình là điều dễ quan sát nhất đối với người dân và chính quyền địa phương. Với địa hình lòng chảo có độ dốc sườn đồi núi từ 20-45 độ, lòng suối từ 10-22 độ và độ cao từ đáy suối lên đến 7 mét, những khu vực này nên được đưa vào "cảnh báo đỏ". Khi có mưa lớn, người dân không nên ở trong nhà" TS. Vũ Bá Thao lưu ý.

Ông Mai Văn Khiêm cho biết, việc dự báo về lũ quét và sạt lở đất tại Việt Nam đang được thực hiện tương tự như các nước trên thế giới, thông qua việc phân vùng nguy cơ từ điều tra, khảo sát.

"Bộ TN&MT đã lập bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, dựa trên các tiêu chí về độ dốc, địa hình. Tuy nhiên, bản đồ tỷ lệ nhỏ là 1/50.000, đến cấp xã rất khó xác định đâu là vùng đất an toàn cho bà con. Ngoài ra, ngành khí tượng thủy văn đã phải kết hợp công nghệ được chuyển giao từ tổ chức khí tượng thủy văn thế giới để nâng cao chất lượng dự báo", ông Khiêm cho biết.

462570584_8416830041741675_4059189253614867384_n.jpg
PGS.TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Khiêm, hiện việc dự báo mới chỉ dừng lại ở cấp xã, trong khi sạt lở đất có thể xảy ra ở diện hẹp, tại khe suối hoặc một quả đồi. Việc dự báo chi tiết, cụ thể vẫn chưa thể thực hiện được, đặc biệt là trong việc đưa ra cảnh báo cụ thể về thời điểm sạt lở.

Các nhà khoa học cho rằng, việc nhận biết nguy cơ sạt lở sớm vài phút có thể cứu được mạng người. Do đó, cần cảnh báo, hành động sớm nên việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, thành lập hệ thống bản đồ, từ đó khoanh vùng khu vực rủi ro cao, đặc biệt chú ý đến loại hình trượt lở, lũ quét là rất quan trọng.

>> Hòa Bình: Nhiều biệt thự trên núi đang hoàn thiện bị sạt lở

Hòa Bình: Nhiều biệt thự trên núi đang hoàn thiện bị sạt lở

Ký ức đau lòng của người đàn ông có 11 người thân thiệt mạng vì sạt lở sau bão

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hien-tuong-nghen-dong-vo-dap-qua-tham-hoa-sat-lo-o-lang-nu-2331738.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Hiện tượng ‘nghẽn dòng, vỡ đập’ qua thảm họa sạt lở ở Làng Nủ
POWERED BY ONECMS & INTECH