Xã hội

Hố đen 'quái vật' cách Trái Đất 7,5 tỷ năm ánh sáng vừa phóng luồng tia kỷ lục, 'xé toạc' vũ trụ với chiều dài 23 triệu năm ánh sáng

Dương Uyển Nhi 21/09/2024 01:01

Các nhà thiên văn học vừa ghi nhận cặp tia phun từ hố đen xa nhất từng được quan sát với chiều dài lên đến 23 triệu năm ánh sáng.

Các nhà thiên văn học vừa quan sát được cặp tia phun từ hố đen xa nhất từ trước đến nay, kéo dài tới 23 triệu năm ánh sáng, tương đương với chiều dài của 140 dải Ngân Hà xếp liên tiếp.

Hố đen 'quái vật' cách Trái Đất 7,5 tỷ năm ánh sáng vừa phóng luồng tia kỷ lục, 'xé toạc' vũ trụ với chiều dài 23 triệu năm ánh sáng - ảnh 1
Cặp tia phun từ hố đen xa nhất từ trước đến nay vừa được phát hiện (Ảnh minh họa: Internet)

Phát hiện này cho thấy các hố đen khổng lồ có thể có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đến sự hình thành và phát triển của các thiên hà so với những gì chúng ta từng nghĩ.

Cặp tia phun này mang tên Porphyrion theo một người khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp, là những luồng vật chất ion hóa khổng lồ phóng ra từ hố đen với vận tốc gần bằng tốc độ ánh sáng. Hố đen siêu nặng tạo ra những tia phun này nằm cách Trái Đất 7,5 tỷ năm ánh sáng và có sức mạnh tương đương hàng nghìn tỷ ngôi sao.

Hố đen 'quái vật' cách Trái Đất 7,5 tỷ năm ánh sáng vừa phóng luồng tia kỷ lục, 'xé toạc' vũ trụ với chiều dài 23 triệu năm ánh sáng - ảnh 2
Porphyrion được quan sát qua kính viễn vọng vô tuyến LOFAR, xuất phát từ một hố đen cách Trái Đất 7,5 tỷ năm ánh sáng (Ảnh: LOFAR Collaboration)

Martijn Oei, tác giả chính của nghiên cứu và là chuyên gia quan sát tại Caltech, cho biết: "Cặp tia phun này vượt xa kích thước của hệ Mặt Trời hay dải Ngân Hà; chúng ta đang nói về kích cỡ tổng cộng tương đương 140 lần đường kính dải Ngân Hà. Dải Ngân Hà chỉ là một chấm nhỏ trong hai vụ phun trào khổng lồ này".

Phát hiện này cho thấy những vụ phun trào từ hố đen siêu nặng có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong quá trình hình thành vũ trụ so với hiểu biết trước đây. Porphyrion thuộc loại hố đen phổ biến trong vũ trụ sơ khai, nhưng trước đây không được cho là có khả năng tạo ra các tia phun khổng lồ. Điều này mở ra khả năng rằng nhiều vụ phun trào tương tự có thể đang tồn tại ẩn mình trong vũ trụ nguyên thủy.

Tác giả Oei cho biết: "Chúng ta có thể chỉ đang thấy một phần nhỏ của một hiện tượng lớn hơn. Cuộc khảo sát LOFAR của chúng tôi mới chỉ bao phủ 15% bầu trời, và nhiều tia phun khổng lồ này có thể rất khó phát hiện, vì vậy chúng tôi tin rằng còn nhiều hố đen khổng lồ khác ngoài kia".

Các nhà khoa học hiện đang lên kế hoạch nghiên cứu cách mà những tia phun khổng lồ này đã tác động đến vũ trụ sơ khai khi chúng phóng ra tia vũ trụ, nguyên tử nặng, nhiệt và từ trường qua các thiên hà. Qua đó, họ hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về nguồn gốc của từ trường trong vũ trụ và vai trò của nó trong quá trình phát triển sự sống.

Nguồn: Space.com

>> Trái Đất sắp có thêm một tiểu ‘mặt trăng’ trong tháng này

‘Hồi sinh’ dự án máy bay không gian thay thế tên lửa truyền thống

Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên sẽ bay vào vũ trụ giữa năm 2025

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/ho-den-quai-vat-cach-trai-dat-75-ty-nam-anh-sang-vua-phong-luong-tia-ky-luc-xe-toac-vu-tru-voi-chieu-dai-23-trieu-nam-anh-sang-127126.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Hố đen 'quái vật' cách Trái Đất 7,5 tỷ năm ánh sáng vừa phóng luồng tia kỷ lục, 'xé toạc' vũ trụ với chiều dài 23 triệu năm ánh sáng
POWERED BY ONECMS & INTECH