Hoạt động kinh tế tuần hoàn bền vững trong khu vực tư nhân được thúc đẩy thông qua sự hỗ trợ về chuyên môn, nguồn lực và mạng lưới của các đối tác.
Theo kết quả khảo sát, điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) năm 2022, có từ 36% - 48,6% doanh nghiệp đã áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn dưới các hình thức và mức độ khác nhau. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện CIEM cho biết: chuyển đổi hoạt động sang mô hình kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp cần thiết kế lại hoạt động sản xuất kinh doanh từ khâu đầu vào nguyên liệu, đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất góp phần nâng cao chất lượng kéo dài vòng đời sản phẩm, thu hồi chất thải…
Sự thay đổi trên cần nguồn vốn đầu tư lớn trong khi nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, khá nhiều doanh nghiệp chưa có đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực thiết kế mô hình kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, quá trình thay đổi của các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn lực và thực tế hoạt động, trên cơ sở chủ động tận dụng các cơ hội mới để đổi mới hoạt động kinh doanh dựa trên những lợi thế của doanh nghiệp và những khó khăn cần khắc phục.
Theo khảo sát của CIEM, những hình thức phổ biến được doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn là sửa chữa và bảo trì, sử dụng và phân phối lại, tân trang và sản xuất lại, tái chế và thu hồi vật liệu, sắp xếp và định vị lại mục đích sử dụng sản phẩm, sử dụng nguyên liệu hữu cơ.
Với mong muốn góp phần giải quyết những hạn chế và nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan thực hiện dự án “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp” (ACE-Biz).
Dự án đóng góp cho sự chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn và các-bon thấp của Việt Nam bằng cách chuyển đổi mô hình kinh doanh với các hoạt động cụ thể. Đó là xây dựng các hướng dẫn tuần hoàn, triển khai các chương trình tăng cường năng lực, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xây dựng và thí điểm chứng nhận về chất lượng để tăng cường hoạt động trao đổi nguyên vật liệu thứ cấp, sản phẩm tái chế thông qua thị trường trực tuyến.
Dự án sẽ xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật toàn diện, hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp các nguyên tắc thiết kế tuần hoàn và áp dụng mô hình tuần hoàn nước thải công nghiệp, cải thiện tính bền vững và hiệu quả của hoạt động tái chế. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cũng được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp Việt Nam về sản xuất bền vững, các mô hình kinh doanh tuần hoàn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các hoạt động hợp tác của dự án hướng đến sự thay đổi và thiết lập nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế bền vững thông qua kết nối và duy trì mạng lưới các doanh nghiệp tuần hoàn tiên phong.
Một hợp phần quan trọng khác là thiết lập mô hình xử lý tuần hoàn nước thải công nghiệp, chứng minh tính kinh tế của mô hình, tạo cơ sở thực tiễn và khuyến khích việc nhân rộng mô hình tương tự ở các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác.
Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định: Bằng cách kiến tạo một môi trường thuận lợi và chứng minh tính khả thi của mô hình tuần hoàn trên thực tế, chúng ta có thể thúc đẩy chuyển đổi và trao quyền cho doanh nghiệp áp dụng các thực hành bền vững, cùng chung tay xây dựng tương lai thịnh vượng và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam.