Hòa Phát (HPG) làm thép ray cho đường sắt tốc độ cao: Không chấp nhận lỗ, cũng không chỉ làm vì thương hiệu
Trong tháng 5 này, Hòa Phát (HPG) sẽ chính thức khởi công nhà máy thép ray tại Khu liên hợp Dung Quất 2, Quảng Ngãi.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã công bố chiến lược tham gia toàn diện vào lĩnh vực đường sắt - từ các tuyến đường sắt cao tốc, đường sắt Bắc - Nam, đến hệ thống đường sắt đô thị và các dự án quy mô cấp tỉnh.
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, tại cuộc họp tháng 9/2024, Chính phủ đã chính thức giao nhiệm vụ cho Hòa Phát sản xuất thép ray - một cấu phần quan trọng trong chuỗi hạ tầng đường sắt. Tập đoàn đã nhận lời và khẳng định sẵn sàng đảm nhận vai trò cung ứng toàn bộ vật liệu nền móng, từ thiết kế phần mềm cho đến vật tư thi công. Dù không tham gia chế tạo đầu máy hay toa tàu, Hòa Phát cam kết đóng vai trò trụ cột trong chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng cho ngành giao thông đường sắt.
Đáng chú ý, Hòa Phát đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất thép ray tại Khu liên hợp Dung Quất 2 với tổng vốn lên tới 14.000 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào tháng 5 tới và cho ra đời sản phẩm đầu tiên vào tháng 5/2027. Theo ông Long, dù đây là lĩnh vực mới, nhưng với kinh nghiệm và truyền thống thực thi cam kết, Tập đoàn tự tin sẽ sản xuất thành công các loại thép chuyên biệt như ray tàu và thép thi công hầm, phục vụ trực tiếp cho các dự án trọng điểm quốc gia.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Chính phủ để chỉ định giao đơn hàng cụ thể cho các doanh nghiệp trong nước. “Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về đầu ra của mảng thép đường sắt Hòa Phát”, Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định.
![]() |
Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, ông Nguyễn Việt Thắng |
Dù đã có đơn hàng từ Chính phủ, nhưng lợi nhuận vẫn là mối quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư, bởi đây là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Chia sẻ với Vietnamnet, Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Thắng cho biết Hòa Phát hiện chưa đưa ra con số cụ thể về lợi nhuận. Vì vậy, nói rằng Tập đoàn không quan tâm đến lợi nhuận là không chính xác.
Tuy nhiên, dựa trên nền tảng hiện có, Hòa Phát hoàn toàn tự tin vào khả năng cạnh tranh về giá thành sản phẩm thép ray do chính Tập đoàn sản xuất. “Chúng tôi không bao giờ xác định lỗ mà vẫn đâm đầu vào làm”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo CEO, lợi nhuận luôn là mục tiêu cốt lõi, bởi đó cũng chính là quyền lợi của cổ đông. Hòa Phát không tham gia các dự án chỉ để khẳng định tên tuổi. Chính vì vậy, trong mọi kế hoạch đầu tư dù đang triển khai hay chuẩn bị khởi động, Tập đoàn luôn cân nhắc kỹ lưỡng và hành động thận trọng.
![]() |
Hòa Phát tham gia sản xuất thép ray đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam |
Đặc biệt, đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (vốn đầu tư 67 tỷ USD), sản phẩm thép ray có tính đặc thù, chỉ phục vụ cho một khách hàng duy nhất là Nhà nước. Trong cơ chế mua bán đặc biệt này, hai bên sẽ cùng bàn bạc để thống nhất giá cả hợp lý. “Nếu Hòa Phát sản xuất với chi phí hợp lý, chắc chắn sẽ không bị ép bán lỗ. Ngược lại, nếu giá vượt ngưỡng thị trường, Chính phủ cũng sẽ không chấp nhận”, ông Thắng nói.
Lãnh đạo Hòa Phát cũng chia sẻ thêm rằng, với các dự án thông thường, HPG chỉ triển khai khi thấy khả năng đạt hiệu quả lên đến 90%. Tuy nhiên, với lĩnh vực mở ngành như sản xuất thép ray cho đường sắt tốc độ cao, Tập đoàn vẫn chấp nhận mức hiệu quả 50% vì tiềm năng phát triển lâu dài và khả năng mở rộng sang nhiều dự án khác.
Trước đây, khi chưa có các dự án đường sắt lớn, Việt Nam vẫn có nhu cầu về ray nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Hòa Phát kỳ vọng, sau dự án này, ngành công nghiệp đường sắt trong nước sẽ từng bước hình thành và phát triển bền vững. Việc đầu tư nhà máy sản xuất thép ray không chỉ giúp Tập đoàn làm chủ công nghệ mà còn tạo tiền đề để Việt Nam tự chủ vật liệu trong lĩnh vực hạ tầng trọng yếu.
Ông Thắng nhấn mạnh: “Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ là cơ hội mở ra ngành mới mà còn là cú hích tạo việc làm, mở rộng thị trường. Hòa Phát sẽ dùng chính dự án này làm bàn đạp để vươn sang các lĩnh vực khác như ray cho metro Hà Nội, metro TP. HCM, ray cho cầu cảng, cầu trục và nhiều hạng mục hạ tầng khác”.