Hòa Phát (HPG) và hành trình "pha loãng" một cổ phiếu "quốc dân"

03-11-2022 17:55|Ba Lỗ

Kể từ khi lên sàn giữa tháng 11/2007 đến nay, năm nào Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng trả cổ tức. Khi cần vốn để đầu tư xây dựng cơ bản, tập đoàn sẽ phát hành thêm cổ phiếu để chỉ trả quyền lợi cho cổ đông.

Sau phiên tăng trước đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát (sàn HOSE) đã giảm trở lại 1% trong phiên hôm nay (3/11/2022). Đáng chú ý, thanh khoản của mã dù vẫn cao nhất so với nhóm cổ phiếu VN30 song đã giảm tới 75% so với mức lịch sử gần 81,5 triệu cổ phiếu trong phiên ngày 1/11.

Tương tự, khối ngoại dù vẫn duy trì trạng thái bán ròng song khối lượng xả hàng đã hạ nhiệt còn gần 3,5 triệu đơn vị - tương ứng giá trị 52,7 tỷ đồng.

Tính chung sau 4 phiên, cổ phiếu này giảm 10% thị giá; khớp lệnh 208 triệu cổ phiếu và bị bán ròng gần 70 triệu đơn vị (giá trị 1.071 tỷ đồng).

Cổ phiếu HPG hiện vẫn chưa trở lại ngắn hạn MA20

Như chúng tôi đã thông tin trong các bài viết trước đó, quan sát những phiên đầu tháng 11/2022, các động thái mua vào của nhà đầu tư với cổ phiếu HPG bắt đầu diễn ra mạnh mẽ xét trên phương diện số lệnh đặt mua/bán và chênh lệch tổng khối lượng cổ phiếu đặt mua/bán.

Và... dù chưa thể khẳng định mốc 15.200 đồng phiên 3/11/2022 là đáy song nhưng có vẻ như đây đang là vùng giá giải ngân được khá nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

Trong một chia sẻ mới đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hồng Diệp đã nêu 5 quan điểm về cổ phiếu HPG và những sai lầm của... thiên tài.

Đầu tiên, ông Điệp nhấn mạnh HPG là một cổ phiếu tốt, rất tốt. Trong cơn bão của tin đồn về các doanh nghiệp - doanh nhân trên thị trường chứng khoán, cá nhân Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long vẫn là gương mặt doanh nhân có uy tín. 

"Đó là bởi sự ngay thẳng, minh bạch, chỉ tập trung kinh doanh các lĩnh vực cốt lõi, ít chiêu trò như các ông chủ khác. Không chỉ có lãnh đạo tốt, mà HPG còn sở hữu nền tảng kinh doanh vững chắc, tài chính lành mạnh. Chính vì điều này, việc Hòa Phát báo lỗ ròng gần 1.800 tỷ trong quý 3/2022 có lẽ chỉ là nhất thời và sẽ là hiếm gặp cả về sau này.

Cần lưu ý là HPG lỗ chủ yếu bởi tỷ giá và chi phí gia tăng, chứ xét doanh thu thì tương đối ổn định. Tôi tin rằng ngay quý 4/2022 HPG sẽ trở lại quỹ đạo có lãi hàng ngàn tỷ", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trong báo cáo công bố mới nhất, SSI Research đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Tập đoàn Hòa Phát xuống 12.200 tỷ đồng - giảm 65% so với mức đỉnh năm 2021.

Như vậy, lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 của Hòa Phát có thể đạt 1.757 tỷ đồng - giảm 76% so với cùng kỳ năm 2021 song điều quan trọng là doanh nghiệp đầu ngành thép này sẽ có lãi trở lại.

(*) Số liệu quý 4/2022 là LNST dự phóng của SSI Research

Dù lạc quan song chuyên gia Nguyễn Hồng Diệp cũng nêu ra 5 vấn đề của Hòa Phát trong thời gian qua trong đó:

- Vấn đề 1: Pha loãng quá đà

Kể từ năm 2017, năm nào HPG cũng thi hành chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu. Việc này không có gì sai trong hoàn cảnh quy mô vốn điều lệ còn nhỏ nên cần phải tăng lên để có vị thế phát triển. Nhưng nếu lạm dụng quá đà, sẽ có một lúc biến thành "nồi cháo loãng".

Ghi nhận của người viết, từ khi lên sàn giữa tháng 11/2007 đến nay, năm nào Tập đoàn cũng trả cổ tức. Khi cần vốn để đầu tư xây dựng cơ bản, tập đoàn sẽ chỉ trả bằng cổ phiếu, không có tiền mặt.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát lần đầu lên sàn chứng khoán Việt Nam vào tháng 11/2007 với khối lượng 132 triệu đơn vị với giá tham chiếu 127.000 đồng (giá chưa điều chỉnh).

Trong năm đầu ra mắt nhà đầu tư, Hòa Phát quyết định trả cổ tức 10% bằng tiền mặt và 40% bằng cổ phiếu. Bước sang năm 2008, tập đoàn trả 30% hoàn toàn bằng tiền mặt.

Kế đến, 2009 trở thành là năm đỉnh cao về tỷ lệ trả cổ tức của Tập đoàn với tổng tỷ lệ 60% trong đó 10% bằng tiền mặt (cổ cổ phiếu nhận về 1.000 đồng) và 50% bằng cổ phiếu (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 50 cổ phiếu mới) 

Liên tiếp trong hai năm 2011 và 2012, Hòa Phát chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% vì đây là giai đoạn công ty tập trung vốn để thực hiện giai đoạn 2 Khu liên hợp Gang thép Hải Dương.

Đến tháng 10/2013, dự án Hòa Phát Hải Dương hoàn thành và đi vào vận hành, tập đoàn nối lại việc trả cổ tức tiền mặt trong năm 2013 với tỷ lệ 15% đồng thời trả bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%.

lich-su-tra-co-tuc-cua-hoa-phat-hpg-(1).png

Giai đoạn từ 2016 - 2018, Tập đoàn Hòa Phát không trả cổ tức tiền mặt vì cần nguồn vốn để đầu tư cho Khu Liên hợp sản xuất gang thép ở Dung Quất, Quảng Ngãi. Công suất thiết kế của khu liên hợp này lên tới 5 triệu tấn thép/năm - gấp đôi nhà máy ở Hải Dương dẫn đến mà nhu cầu vốn cũng lớn hơn.

Hồi giữa tháng 6/2022, Hòa Phát đã thực hiện phát hành thêm 1,34 triệu cổ phiếu HPG để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông tỷ lệ 35% và 5% bằng tiền mặt. 

Đáng nói tại ĐHCĐ thường niên 2022 trước đó, cổ đông từng đề cập đến vấn đề tăng tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền lên 10% và 30% bằng cổ phiếu. Phúc đáp câu hỏi của cổ đông, đại diện tập đoàn cho rằng cần giữ lại một phần nguồn vốn cho hoạt động sản xuất.

Sau đợt phát hành trả cổ tức này, trên thị trường hiện có tới hơn 5,81 triệu cổ phiếu HPG đang lưu hành - tương đương vốn điều lệ hơn 58.100 tỷ.

Và... chỉ tính riêng Chủ tịch Trần Đình Long, vợ ông Long (bà Vũ Thị Hiền) và con trai ông Long (Trần Vũ Minh) đã và đang nắm tới 2,033 tỷ cổ phiếu HPG (tỷ lệ 35%).

Không quá ngạc nhiên khi đến cuối quý 3/2022, hầu hết các tiêu chí tài chính của Hòa Phát đều ở mức "khủng" so với phần đông doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán với tổng tài sản đạt gần 184.000 tỷ đồng (bao gồm gần 39.000 tỷ đồng tiền mặt - tương đương tiền và các khoản tiền gửi); vốn chủ sở hữu 98.000 tỷ (bao gồm hơn 35.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối); nợ phải trả hơn 85.700 tỷ đồng (trong đó có 65.500 tỷ vay nợ tài chính).

Việc tăng quy mô vốn giúp doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn liên tục tăng mạnh qua từng năm (Nguồn: Báo cáo thường niên 2021 của HPG)

- Vấn đề hai: Phát hành cổ phiếu sau khi đạt đỉnh lợi nhuận

Ngày từ đầu năm 2022, cá nhân ông Long đã có dự báo về sự "thê thảm" của nhóm thép trong 3 quý cuối năm (sau chu kỳ đạt đỉnh). Tuy nhiên theo ông Diệp, dù đã đoán được lợi nhuận đi xuống nhưng Hòa Phát vẫn quyết định phát hành thêm 1,34 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức. Điều là là "sự chống lại tính cung cầu của cổ phiếu".

- Vấn đề ba: Làm mất hình ảnh và niềm tin của một bộ phận nhà đầu tư

"Dù đúng là Tập đoàn chỉ tập trung vào kinh doanh cốt lõi và không quan tâm đến biến động giá của cổ phiếu vô tình đã làm mất hình ảnh, mất niềm tin của nhà đầu tư - rất nhiều trong số khoảng 160.000 cổ đông HPG. Minh chứng rõ nét nhất là khối ngoại liên tục bán ròng HPG ở bất kỳ giá nào.

Kết phiên 3/11, cổ phiếu HPG bị bán ròng phiên thứ 13 liên tiếp với lực bán chỉ còn gần 3,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên sau 13 phiên khối ngoại đã rút ròng hơn 2.000 tỷ đồng khỏi cổ phiếu này.

Trong tháng 10/2022 vừa qua, cổ phiếu HPG đã bị bán ròng 1.700 tỷ đồng... và nếu tính từ đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã xả bán hơn 7.000 tỷ đồng cổ phiếu HPG qua đó giảm tỷ lệ sở hữu về dưới mức 20%.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Diệp nhấn mạnh: "Cần nhớ rằng các nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ thuần túy đầu tư tài chín; một khi ông chủ không quan tâm giá cổ phiếu, để tình trạng "sống chết mặc bay" và để thị trường tự cân, họ sẽ bán để chuyển sang cổ phiếu khác".

- Vấn đề thứ tư: Cổ phiếu "quốc dân" nhưng thiếu có nhà đầu tư chiến lược

Chuyên gia phân tích, dù là cổ phiếu "quốc dân" và được mọi tổ chức yêu thích song Hòa Phát không có nhà đầu tư chiến lược nắm giữ số lượng lớn trong thời gian đủ dài. Khi cơ cấu cổ đông không đủ vững chắc, sẽ không khó hiểu khi lượng lớn cổ phiếu cùng cung ra một lúc qua đó kéo giá cổ phiếu lùi sâu.

Tính từ đầu năm 2022 tới nay, cổ phiếu HPG đã giảm tới gần 57% giá trị (từ mức 35.1x đồng - giá sau điều chỉnh). Nếu tính từ mức đỉnh 43.900 đồng (phiên 28/10/2021) mã hiện đã mất tới 65% thị giá - vốn hóa bốc hơi gần 167.000 tỷ đồng và hiện chỉ còn hơn 88.300 tỷ.

- Vấn đề thứ năm: Phát triển "chưa tới" các lĩnh vực kinh doanh phụ tiềm năng

"Dù đã nhìn thấy Thép có tính chu kỳ và sẽ gặp rủi ro trong một giai đoạn ngắn hạn nào đó nhưng việc đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh để đưa Hòa Phát  trở thành một "tập đoàn khủng long" đã không xảy ra.

Bất chấp những ý tưởng về nuôi heo, sản xuất trứng gà hay làm dự án bất động sản nhưng các mảng này đóng góp doanh thu rất nhỏ trong khi với tầm vóc và năng lực nội tại, Hòa Phát muốn phát triển các mảng này không phải là quá khó", ông Diệp nhấn mạnh.

"Thiên tài mà sai lầm thì cũng phải vấp ngã, quan trọng nhất là có biết đứng dậy kịp thời hay không. Thị trường chứng khoán rất công bằng; một khi anh coi thường tài sản và giá trị của đám đông, rất có thể anh sẽ bị "nghiền nát" một lúc nào không hay".

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hồng Diệp

Công trình triển lãm Top 10 thế giới của Vingroup đã tiêu thụ 10.000 tấn thép Hòa Phát

Cú ‘bắt tay’ lịch sử: Vingroup và Hòa Phát cùng nhau làm trung tâm triển lãm lớn nhất Đông Nam Á

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hpg-va-hanh-trinh-pha-loang-cua-mot-co-phieu-quoc-dan-156543.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hòa Phát (HPG) và hành trình "pha loãng" một cổ phiếu "quốc dân"
    POWERED BY ONECMS & INTECH