Quốc tế

Hội nghị thượng đỉnh BRICS họp bàn những gì?

Tâm An 23/08/2023 07:33

Các lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS họp thượng đỉnh ở Johannesburg, Nam Phi từ ngày 22 – 24/8. Sự kiện đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Nhóm BRICS do Nga khởi xướng, được thành lập vào năm 2009. Theo Reuters, đây không phải là một tổ chức đa phương chính thức như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới hay Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là các nước sáng lập nhóm. Nam Phi, nước thành viên nhỏ nhất xét về sức mạnh kinh tế và dân số, là quốc gia hưởng lợi đầu tiên từ việc mở rộng nhóm vào năm 2010, khi tổ chức này chính thức lấy tên gọi là BRICS (ghép từ chữ cái đầu tên tiếng Anh của 5 nước thành viên).

Tính tổng cộng, các nước BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới và 1/4 nền kinh tế toàn cầu. Ngoài địa chính trị, trọng tâm của nhóm còn bao gồm hợp tác kinh tế, tăng cường thương mại và phát triển đa phương.

Nhóm hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Các nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ của các quốc gia thành viên nhóm họp hàng năm. Mỗi nước thành viên đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của nhóm trong nhiệm kỳ 1 năm.

Theo các thông báo chính thức, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Italia Narendra Modi sẽ trực tiếp dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm ở Johannesburg. Trong khi, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham gia sự kiện thông qua kết nối video trực tuyến và cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov đến Johannesburg dự họp.

Nhóm chưa công bố chương trình nghị sự, nhưng dưới đây là một số chủ đề dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của họ, theo nhận định của giới quan sát:

Mở rộng BRICS

Các nhà lãnh đạo nhóm hiện vẫn bất đồng về việc mở rộng khối bằng cách bổ sung thành viên mới, bao gồm cả các tiêu chí kết nạp. Nam Phi cho biết, hơn 40 quốc gia, bao gồm cả Ảrập Xêút, Iran, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Argentina, Indonesia, Ai Cập và Ethiopia, đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập nhóm.

Trung Quốc, Nga và Nam Phi ủng hộ việc mở rộng BRICS, trong khi Brazil tỏ ra hoài nghi. Ấn Độ chưa nêu rõ quan điểm về vấn đề này.

Ngân hàng BRICS

Các lãnh đạo nhóm dự kiến cũng sẽ thảo luận về cách tăng cường huy động vốn và cho vay bằng đồng nội tệ trong Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), còn được gọi là Ngân hàng BRICS. Theo Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Enoch Godongwana, việc sử dụng đồng nội tệ sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trước ảnh hưởng của các biến động ngoại hối.

Đồng USD của Mỹ đã tăng giá so với các đồng tiền của thị trường mới nổi kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất để chống lạm phát vào đầu năm 2022, khiến các nước phải tốn kém hơn để trả nợ bằng đồng USD.

Ngân hàng NDB có trụ sở ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Nhà ngoại giao cấp cao của Nam Phi cho biết, mặc dù Ngân hàng NDB, vốn được thành lập vào năm 2015, vẫn đang xem xét khả năng sử dụng các loại tiền tệ thay thế, nhưng sẽ không có cuộc thảo luận nào về một đồng tiền chung của nhóm trong hội nghị thượng đỉnh.

NDB đang mở rộng và sự kiện ở Johannesburg có thể trở thành nền tảng quan trọng để thu hút thêm nhiều nước tham gia. Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Ai Cập đã gia nhập ngân hàng này từ năm 2021. Uruguay đang trong quá trình xin kết nạp. Algeria, Honduras, Zimbabwe và Ảrập Xêút đã bày tỏ sự quan tâm.

Hợp tác kinh tế

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này nhiều khả năng sẽ bàn về cách cải thiện mối quan hệ giữa các nền kinh tế đa dạng trong nhóm. Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tham gia vào một loạt cuộc thảo luận về cơ hội thương mại và đầu tư trong nhiều lĩnh vực, từ hợp tác năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng đến kinh tế kỹ thuật số và thị trường việc làm.

Những người bạn của BRICS

Ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ tập trung vào các cuộc hội đàm với lãnh đạo của các nước khác. Theo Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor, nhóm đã gửi lời mời dự họp thượng đỉnh tới 67 nhà lãnh đạo khắp châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Á và vùng Caribe.

Chính phủ Pháp từng bày tỏ mong muốn Tổng thống Emmanuel Macron tham gia hội nghị, nhưng Moscow phản đối vì Paris đứng về phía Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ông Macron rốt cuộc không được mời dự họp.

Ông Pandor nói, BRICS cũng sẽ đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa nhóm và các nước châu Phi để gắn kết với chủ đề "BRICS và châu Phi" của hội nghị thượng đỉnh năm nay. Quan chức này nhấn mạnh, các đối tác BRICS rất háo hức được khám phá các cơ hội hưởng lợi từ Khu vực thương mại tự do châu Phi.

'Thân' với hàng loạt siêu cường, thành công gia nhập BRICS, quốc gia châu Á đang mạnh mẽ gia tăng vị thế toàn cầu

Thành viên chủ chốt của BRICS lên tiếng về đồng tiền chung và lộ trình phi USD hóa

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-brics-se-hop-ban-nhung-gi-2180578.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hội nghị thượng đỉnh BRICS họp bàn những gì?
    POWERED BY ONECMS & INTECH