Bộ Công Thương cho biết, kể từ ngày 28/4/2022, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu toàn bộ dầu cọ thô (CPO) và dầu ăn với thời hạn cấm không xác định.
Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá việc thực thi chính sách cấm này nhằm đảm bảo lượng dầu ăn trong nước được đầy đủ dồi dào với giá cả hợp lý.
Giá dầu cọ trên thị trường quốc tế đã tăng mạnh sau khi Indonesia thông báo lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm này nhằm kiểm soát đà tăng giá thực phẩm trong nước, hệ quả từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Indonesia là một trong những thị trường cung ứng dầu mỡ thực vật lớn của Việt Nam với giá trị nhập khẩu nhóm hàng này trong năm 2021 lên tới 711 triệu USD.
Sự thiếu hụt dầu hướng dương do xung đột ở Ukraine đã tạo ra hiệu ứng domino, khiến giá dầu ăn thế giới tăng cao kỷ lục.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Mintec, giá dầu hướng dương thế giới đã tăng 44% vào cuối tháng 3 so với một năm trước đó, trong khi dầu hạt cải đã tăng 72%, dầu đậu nành cũng tăng 41%, dầu cọ tăng 61% và dầu ô liu tăng hơn 15%...các mức tăng đều đạt kỷ lục so với trước đây.
Động thái này của Indonesia, nước xuất khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, là biện pháp bảo hộ mới nhất liên quan tới lĩnh vực thực phẩm được áp dụng bởi một quốc gia đang đối diện với tình trạng giá thực phẩm leo thang.
Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn từ Chính phủ Indonesia ứng phó với cuộc khủng hoảng giá dầu ăn trong nước tăng mạnh từ đầu năm 2022 trở lại đây với mức tăng hơn 40% với mức giá bán lẻ bình quân hiện nay tại thị trường Indonesia là 26,436 Rp/lít (1,84USD).
Đơn cử, nước này đã thực thi áp dụng giá bán trần (giá bán cao nhất) mức 14.000 Rp/lít. Tuy nhiên, quy định này đã hoàn toàn thất bại khi không có dầu ăn được bán với giá trần nêu trên tại thị trường.
Theo dự đoán, Chính phủ Indonesia sẽ sớm phải xem xét, điều chỉnh quyết định này do việc cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn sẽ dẫn tới tác động tiêu cực tới ngành công nghiệp dầu cọ của nước này khi có khả năng dư thừa nguồn cung tới 60%.
Các công ty chế biến dầu sẽ cắt giảm sản xuất, phúc lợi của nông dân trồng cọ bị ảnh hưởng do nguồn nguyên liệu không được các nhà máy chế biến thu mua, dẫn tới bất ổn xã hội.
Bên cạnh đó, việc cấm xuất khẩu cũng gây tổn thất cho nhóm hàng xuất khẩu này với giá trị tổn thất lên tới 3 tỷ USD/tháng (theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu và Luật pháp Indonesia).
Trước việc Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ thô CPO và dầu ăn, doanh nghiệp nhập khẩu những nhóm hàng này của Việt Nam cần nhanh chóng khẩn trương liên hệ với các các doanh nghiệp (đối tác) xuất khẩu Indonesia để tìm giải pháp cho các đơn hàng giao sau ngày 28/4/2022.