Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á 'lung lay': Hàng loạt nhà máy đóng cửa, người dân ngậm ngùi chịu cảnh lương thấp
Tổng thống Indonesia hứa cung cấp bữa ăn miễn phí cho mọi học sinh trên toàn quốc. Nhưng trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng, một số chuyên gia cảnh báo rằng việc này đang khiến tình hình tồi tệ hơn.
Nina Megayanti từng nghĩ rằng mình đã có mọi thứ.
Suốt nhiều năm, cô sống thoải mái tại thủ đô Jakarta của Indonesia: Thường xuyên đi ăn ngoài với bạn bè, du lịch nước ngoài vào cuối tuần và trả góp mua nhà đều đặn. Nhưng đến năm 2023, khi nền kinh tế bắt đầu suy giảm, cô bị sa thải khỏi công việc marketing và thất nghiệp hơn một năm. Cô mất tiền đặt cọc nhà và gần như tiêu sạch tiền tiết kiệm.
Hàng triệu người Indonesia khác cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp của Indonesia trong năm nay sẽ tăng lên mức cao thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chính phủ lại cho rằng nền kinh tế vẫn ổn, viện dẫn mức tăng trưởng hàng năm khoảng 5%. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 10, Tổng thống Prabowo Subianto đã tập trung thực hiện các cam kết tranh cử, bao gồm chương trình bữa trưa miễn phí toàn quốc cho học sinh và nhà ở giá rẻ. Ông cũng thành lập một quỹ đầu tư quốc gia mới.

Để tài trợ cho các dự án này, ông đã điều chuyển hàng tỷ USD từ ngân sách Chính phủ, cắt giảm chi tiêu và yêu cầu các bộ như Giao thông công chính, Y tế và Giáo dục thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng". Hàng ngàn nhân sự hợp đồng của các cơ quan nhà nước cũng đã bị sa thải. Nền kinh tế Indonesia vốn phụ thuộc lớn vào chi tiêu công và các nhà phê bình cho rằng ông Prabowo đã chọn sai ưu tiên.
“Chính phủ đang phủ nhận thực tế kinh tế. Các số liệu về việc làm là bằng chứng cho thấy tình hình thực sự không ổn”, nhà kinh tế Awalil Rizky từ Viện Bright, một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Jakarta, nhận định.
IMF dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Indonesia sẽ tăng lên 5% trong năm nay, từ mức 4,9% năm 2024. Hôm thứ Ba, Chính phủ cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 từ 5,2% xuống còn khoảng 5%.
Nina, 42 tuổi, cuối cùng đã tìm được việc làm theo hợp đồng vào tháng 11 – với mức lương chỉ bằng một phần ba so với công việc cũ. “Nó thật phi lý, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác”, cô nói.
Trong 5 năm qua, hàng triệu người Indonesia đã rơi khỏi tầng lớp trung lưu, theo dữ liệu Chính phủ. Hiện chỉ còn chưa đến 1/5 dân số thuộc nhóm này và chi tiêu tiêu dùng đã giảm. Các chính sách thuế quan dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng góp phần làm tổn hại đến nền kinh tế xuất khẩu của Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Các nhà sản xuất trong nước điêu đứng do nhu cầu suy giảm đối với sản phẩm như dệt may và giày dép cả trong và ngoài nước. Hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đang làm tê liệt ngành công nghiệp địa phương. Nhiều nhà máy phải đóng cửa và sa thải công nhân. Người dân buộc phải tìm đến các công việc thời vụ hoặc gia nhập nền kinh tế phi chính thức.

Dimas Fatwa Ramadhan, 29 tuổi, bắt đầu lái xe cho các ứng dụng gọi xe cách đây ba năm để kiếm thêm thu nhập ngoài cửa hàng tạp hóa nhỏ của gia đình. Nhưng giờ đây, cạnh tranh trên các nền tảng này rất khốc liệt. "Tôi phải chạy ít nhất 12 tiếng mỗi ngày” mới kiếm được tương đương 9 USD. Nhưng đây là lối thoát duy nhất của tôi", anh chia sẻ. Với chỉ bằng cấp trung học, cơ hội có việc làm của anh rất mong manh.
Tháng trước, Chính phủ ông Prabowo công bố gói kích thích kinh tế trị giá 1,5 tỷ USD kéo dài hai tháng, bao gồm trợ giá cho vận tải đường biển, hàng không và đường sắt, phát thực phẩm thiết yếu và trợ cấp tiền lương cho hàng triệu lao động. Mục tiêu của ông là nâng tốc độ tăng trưởng nền kinh tế hơn một nghìn tỷ USD lên mức 8%.
Ông Prabowo cũng khẳng định chương trình bữa trưa miễn phí – sẽ lớn thứ hai thế giới sau Mỹ – là một khoản đầu tư cho tương lai Indonesia, giúp giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế.
Tuy nhiên, chương trình mới chỉ ở giai đoạn khởi động đã vướng phải nhiều tranh cãi. “Chương trình này là một quả bom hẹn giờ tài chính đối với Chính phủ”, ông Bhima Yudhistira, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Pháp lý tại Jakarta, cảnh báo. Theo ông, điều cấp thiết hơn là đầu tư vào lương giáo viên và hệ thống giao thông đến trường học.
Tổng thống Prabowo bảo vệ các quyết sách của mình.“Quản lý kinh tế của chúng tôi khá thận trọng. Một điều mà chúng ta có thể và nên tự hào là đã thực hiện tiết kiệm trên diện rộng”, ông nói hồi tháng 5 - điều mà ông cho rằng sẽ giúp tài trợ cho các dự án trọng điểm.

Tuy vậy, Chính phủ đã buộc phải cắt giảm quy mô chương trình bữa trưa, từ 45 tỷ USD xuống còn 28 tỷ USD trong năm nay. Hôm thứ Ba, Chính phủ thừa nhận mức thâm hụt ngân sách hiện nay là lớn nhất trong nhiều thập kỷ (không tính các năm đại dịch).
Bất mãn trong công chúng đang gia tăng. Tháng Hai vừa qua, sinh viên trên toàn quốc phát động phong trào biểu tình mang tên “Indonesia Gelap” (Indonesia Tăm Tối), phản đối các chính sách thắt chặt chi tiêu và yêu cầu đánh giá độc lập chương trình bữa trưa tốn kém.
Gần đây, hashtag #KaburAjaDulu (Cứ chạy trước đi) lan truyền mạnh mẽ, phản ánh sự thất vọng của giới trẻ trước thực trạng thiếu việc làm, chi phí học tập cao và mức lương thấp. Nhiều người coi làm việc ở nước ngoài là con đường duy nhất để đổi đời.
Trên lý thuyết, Indonesia – quốc gia đông dân thứ tư thế giới – có lợi thế nhân khẩu học khi hơn 2/3 trong số 270 triệu dân ở độ tuổi lao động.
Người tiền nhiệm của ông Prabowo, ông Joko Widodo, từng cố gắng cải tổ kinh tế bằng cách cấm xuất khẩu nickel – loại khoáng sản mà Indonesia có trữ lượng lớn nhất thế giới – với tham vọng phát triển ngành công nghiệp nội địa sản xuất pin xe điện và tạo ra hàng loạt việc làm tốt. Nhưng dù đã thu hút được hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài, đất nước vẫn chưa thu được nhiều lợi ích thiết thực.
“Quá trình phát triển kinh tế Indonesia, đặc biệt trong thập kỷ qua, là không hiệu quả.Lợi thế dân số dần trở thành gánh nặng”, ông Awalil nhận định.
Tham khảo New York Times
>> Sa thải 70.000 người, chuyện gì xảy ra ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á?