Hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu Mỹ trong tay Trung Quốc: Vũ khí tài chính hay gót chân A-sin?
Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ với lượng trái phiếu kho bạc ước tính hơn 1.000 tỷ USD, nhưng liệu đây là đòn bẩy chiến lược hay rào cản chính họ?
Theo Reuters, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, giới đầu tư quốc tế ngày càng quan tâm tới khả năng Bắc Kinh sử dụng kho dự trữ trái phiếu chính phủ Mỹ khổng lồ như một đòn bẩy tài chính để gây sức ép với Washington. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mối quan hệ tài chính giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trạng thái “cân bằng mong manh”, mà cả hai bên đều có lý do để duy trì.
Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ, chỉ sau Nhật Bản. Theo dữ liệu chính thức, Bắc Kinh nắm giữ khoảng 784 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ tính đến cuối tháng 2/2025. Tuy nhiên, các ước tính độc lập – như của chuyên gia Brad Setser tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ – cho rằng con số thực tế có thể lên tới 1.100 tỷ USD, nếu tính cả các khoản đầu tư gián tiếp thông qua các trung gian.
Từ lâu, một số ý kiến trong truyền thông nhà nước Trung Quốc đã từng cho rằng Bắc Kinh nên sử dụng trái phiếu Mỹ như một công cụ gây áp lực lên Washington. Nhưng mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định rằng lượng nắm giữ này không mang lại cho Trung Quốc bất kỳ lợi thế đàm phán nào. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại viễn cảnh Bắc Kinh bất ngờ “xả hàng” trái phiếu, gây áp lực lên lợi suất và thị trường tài chính Mỹ.
Những lo ngại này càng gia tăng khi Trung Quốc trong những năm gần đây đã chủ động đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm dần sự phụ thuộc vào tài sản định giá bằng đồng USD. Tuy vậy, với việc đồng Nhân dân tệ vẫn không được thả nổi hoàn toàn, Bắc Kinh vẫn cần duy trì lượng dự trữ USD lớn để can thiệp thị trường khi cần thiết.
![]() |
Biểu đồ đường cho thấy việc Trung Quốc nắm giữ trực tiếp trái phiếu kho bạc Mỹ, nguồn: Reuters |
>> Thuế đối ứng từ Mỹ 'thổi bay' sạch thành quả quý I/2025 của các quỹ cổ phiếu
Trên thực tế, việc bán tháo trái phiếu Mỹ không chỉ mang tính rủi ro cao mà còn khó thực hiện một cách âm thầm. Bất kỳ tín hiệu nào về việc giảm mạnh lượng nắm giữ cũng có thể châm ngòi cho làn sóng hoảng loạn trên thị trường toàn cầu – và cuối cùng lại khiến giá trị danh mục đầu tư của Trung Quốc bị bào mòn.
Ngoài ra, nếu thực sự bán ra lượng lớn trái phiếu Mỹ, Trung Quốc sẽ đối mặt với câu hỏi: làm gì với lượng USD thu về? Việc giữ tiền mặt sẽ khiến nguồn lực bị đóng băng; chuyển sang đầu tư vào trái phiếu châu Âu hoặc Nhật Bản cũng không dễ, khi các quốc gia này có thể dè dặt với các dòng vốn mang tính địa chính trị. Mặt khác, nếu Trung Quốc dùng USD để mua lại Nhân dân tệ, điều đó sẽ khiến đồng nội tệ tăng giá – một bất lợi với hoạt động xuất khẩu.
Vì thế, về cơ bản, quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent vẫn có cơ sở: việc “vũ khí hóa” trái phiếu chính phủ Mỹ là một lựa chọn đầy rủi ro, khó khả thi và có thể phản tác dụng với chính Trung Quốc. Dù vậy, trong một tương lai dài hạn – khi Trung Quốc cải cách toàn diện cơ chế tỷ giá và tiến tới thả nổi đồng Nhân dân tệ – các kịch bản mang tính đối đầu hơn vẫn có thể xảy ra.
Hiện tại, giữa lúc chiến tranh thương mại vẫn tiếp diễn, việc Trung Quốc tiếp tục nắm giữ một lượng lớn trái phiếu Mỹ – dù bất đắc dĩ – lại là yếu tố góp phần kìm hãm quá trình tách rời tài chính giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
>> Trung Quốc đã gom 700 tấn vàng trước cả thế giới: Giờ nhà đầu tư mới cuống cuồng lao theo
Trái phiếu doanh nghiệp quý I/2025 chạm đáy 5 năm: Tín hiệu tích cực nào đang chờ đợi?
Trái phiếu bất ngờ bị bán tháo ồ ạt, Nhật-Trung ‘trong tầm ngắm’: Chuyện gì đã xảy ra?