Hòn đảo này trở nên hoang phế sau khi xuất hiện những mầm bệnh chết chóc vào thập niên 1970.
Hòn đảo hoang “chết chóc”
Trong sa mạc rộng lớn ở Trung Á tồn tại một hòn đảo xa xôi và bí ẩn, hầu như không thể nhìn thấy trên bản đồ và hầu hết mọi người không biết đến. Tuy nhiên, dưới lớp cát của nó, là một bí mật đen tối, một vùng đất hoang tồn tại đầy những sinh vật nguy hiểm và đáng sợ nhất của loài người. Đây là câu chuyện chưa được kể về đảo Vozrozhdeniya (Voz), nơi được nghi ngờ từng là địa điểm thử nghiệm bí mật của Liên Xô có tên là "Aralsk-7".
Ẩn giấu kín trong nhiều thập kỷ là một trong những “bộ sưu tập bệnh than” lớn nhất thế giới. Liên Xô đã tiến hành các thí nghiệm sinh học tối mật tại địa điểm này. Những gì đã xảy ra trên đảo Voz trong những khoảnh khắc cuối cùng trước khi nó bị bỏ hoang? Những kinh hoàng đen tối nào đang bị chôn vùi trên hòn đảo?
Cách đây nhiều năm về trước, Vozrozhdeniya đã là nơi sinh sống của một cộng đồng ngư dân thịnh vượng, với những đầm phá trong xanh và nguồn cá phong phú. Tuy nhiên, việc dòng sông chuyển hướng để tưới tiêu cho các cánh đồng bông đã dẫn đến sự giảm mức nước. Ngày nay, nơi đây chỉ còn lại cát và cây chết, bị ô nhiễm hóa chất từ những chất thải để lại khi nước biển rút đi.
Kể từ năm 1936, đảo Vozrozhdeniya đã được nghi ngờ là nơi thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu sinh học của Liên Xô. Các tác nhân gây bệnh như bệnh than, bệnh đậu mùa, bệnh dịch hạch, bệnh tularemia, bệnh brucellosis và bệnh sốt phát ban đã được nghiên cứu ở đó. Với việc nằm trong một khu vực xa xôi mà người ngoài không biết đến cho đến thế kỷ 19, đảo này rất thích hợp cho các hoạt động bí mật như vậy.
Dự án vũ khí sinh học diễn ra hoàn toàn một cách bí mật, và căn cứ quân sự trên đảo không được đánh dấu trên bản đồ Liên Xô. Những người biết về dự án gọi nó là Aralsk-7. Aralsk-7 là một phần của chương trình vũ khí sinh học quy mô lớn, với hơn 50.000 người tham gia và ít nhất 52 cơ sở sản xuất trải dài khắp Liên Xô. Mầm bệnh than ban đầu được sản xuất trong những bể lên men lớn tương tự như quá trình ủ bia tại Compound 19, một cơ sở thí nghiệm gần Yekatarinburg. Liên Xô phát triển dự án Aralsk-7 trong cuộc đua vũ khí sinh học với Anh và Mỹ, nhằm biến những mầm bệnh ban đầu nguy hiểm và gây chết người, trở nên dễ lây lan, khủng khiếp, gây chết chóc hơn. Các nhà khoa học phải đảm bảo vi khuẩn có khả năng chống lại thuốc kháng sinh và vẫn có khả năng truyền bệnh cho cả những người đã tiêm phòng vắc-xin.
Toàn bộ phạm vi thử nghiệm trên Vozrozhdeniya vẫn được che khuất bởi tên gọi ẩn của nó. Tuy nhiên, sự xa xôi về mặt địa lý cùng với vùng biển Aral xung quanh đã chắc chắn đóng góp vào việc lựa chọn nơi này làm địa điểm thí nghiệm vũ khí sinh học tuyệt mật trong thời kỳ Xô Viết.
Những cái chết bí ẩn
Năm 1971, một nhà khoa học bị ốm sau khi tàu nghiên cứu của cô tiếp xúc với một đám mây mù màu nâu không xác định. Sau đó, cô được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa dù đã được tiêm phòng trước đó. Đáng tiếc, mặc dù cô đã hồi phục, virus vẫn lây nhiễm thêm 9 người ở quê, trong đó có em trai của cô.
Năm sau, vào năm 1972, hai ngư dân mất tích được phát hiện đã chết trên thuyền của họ, nghi ngờ đã chết vì bệnh dịch hạch. Cùng năm, các quần thể cá địa phương cũng bắt đầu chết hàng loạt một cách bí ẩn.
Vào ngày 2/4/1979, một loại bột vô hình bắt đầu lan rộng trong không khí từ ống khói cao cách thành phố Sverdlovsk (nay được gọi là Yekaterinburg) hơn một dặm. Trong vài tuần tiếp theo, khoảng 80 người ở Sverdlovsk đổ bệnh. Các triệu chứng ban đầu giống như bệnh cúm, nhưng nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn. Mọi người bắt đầu mắc suy nội tạng và xuất huyết nội nghiêm trọng, ít nhất 68 người đã thiệt mạng vì sự kiện này.
Một sự kiện khủng khiếp đã diễn ra vào năm 1988, khoảng 50.000 con linh dương saiga đang chăn thả gần đó đột nhiên ngã gục và chết bí ẩn chỉ trong vòng một giờ.
Rõ ràng những cái chết này không phải là một căn bệnh thông thường. Có những đồn đoán rằng một tác nhân sinh học đã vô tình được thả vào khu vực lân cận. Mặc dù Liên Xô đã phủ nhận nhưng mọi người tin rằng đó là bệnh than, một trong những loại vi khuẩn gây chết người nhất mà nhân loại biết đến.
Cho đến năm 1988, 9 năm sau vụ rò rỉ bệnh than, các quan chức Liên Xô mới quyết định dừng hoạt động của kho chứa tác nhân sinh học của họ. Một lượng lớn bào tử bệnh than đã được trộn lẫn với chất khử trùng và vận chuyển bằng sà lan đến đảo. Khoảng 100-200 tấn bệnh than đã được xử lý vội vã bằng cách đổ vào các hố nông trên đảo, sau đó bị bỏ lại mà không có sự giám sát hoặc các biện pháp phòng ngừa liên tục.
Vấn đề với bệnh than là các bào tử của nó rất khó tiêu diệt và có khả năng tồn tại dưới lòng đất hàng trăm năm. Ngay cả việc tắm trong chất khử trùng và nướng ở nhiệt độ cao 180 độ C cũng không có tác động đáng kể đến các bào tử này. Điều khó khăn hơn nữa là vị trí chính xác của các hố chôn bệnh than không bao giờ được tiết lộ, may mắn thay, chúng lớn đến mức có thể nhìn thấy được từ không gian.
Lo ngại rằng bệnh than có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố, Mỹ đã gửi các chuyên gia đến Vozrozhdeniya để thực hiện một loạt các xét nghiệm. Khi phát hiện dấu vết của bệnh than, Mỹ đã chi 6 triệu đô la cho hoạt động dọn dẹp. Hàng nghìn kg chất tẩy trắng dạng bột cực mạnh đã được các phi hành đoàn mặc đồ bảo hộ sử dụng trong nhiều tháng và cuối cùng bào tử đã biến mất.
Tuy nhiên, hoạt động dọn dẹp không thực sự loại bỏ hết mối đe dọa từ Vozrozhdeniya. Các chuyên gia khẳng định rằng vẫn còn bệnh than trong và xung quanh các hố rác, cũng như các hố chôn động vật nhiễm bệnh, mỗi hố chứa hàng trăm xác chết hoặc những ngôi mộ không dấu vết của nạn nhân. Nơi này vẫn còn rất nhiều mối đe dọa lớn nhỏ cần phải tránh xa bằng mọi cách.
Rất may, Vozrozhdeniya không phải là hòn đảo dễ tiếp cận nhất trên thế giới. Để đến đảo này, bạn cần có người hướng dẫn, điều này giúp giảm bớt lo lắng về việc lạc vào một vùng đất chết chóc. Các cư dân sống xung quanh khu vực đảo cũng luôn biết cách tránh xa nơi này.
Tham khảo: Unbelievable