Họp lớp sau 20 năm tốt nghiệp, tôi nhận ra nhiều bài học quý giá từ những người bạn xung quanh.
Hai mươi năm sau khi tốt nghiệp, tôi khuyên bạn nên đi họp lớp, không phải để so đo xem ai thành công hơn trong cuộc sống, cũng không phải để tranh thủ "nguồn lực" của các bạn trong lớp mà để nhìn xem sau 20 năm lăn lộn với cuộc đời, điều gì quyết định nên thành công của một con người trong cuộc sống.
Tôi rất thích tham dự những buổi họp lớp bởi trong những buổi gặp mặt đó, tôi có thể quan sát được nhiều điều thú vị. Những người bạn có cùng điểm xuất phát giống tôi, những người xếp hạng ngang chúng tôi 20 năm về trước, họ đã đạt được những thành tựu gì ở hiện tại? Điều gì khiến họ thất vọng trong cuộc đời hay điều gì đã đưa họ đến được vị trí ngày hôm nay? Trước tiên, tôi sẽ kể câu chuyện về một số người bạn của tôi.
Bạn A là lớp trưởng của chúng tôi hồi đó, A rất nghiêm khắc kể cả đối với bản thân lẫn với người khác. Tuy nhiên, dù học hành vô cùng chăm chỉ nhưng cuối cùng, điểm thi đại học của cô ấy không tốt và chỉ đỗ vào một trường đại học bình thường.
Sau hơn 20 năm không có thông tin gì, bỗng một ngày, tôi nhìn thấy A trên một bài báo được lan truyền khắp cõi mạng. Giờ đây, cô ấy đã là Giám đốc điều hành cấp cao của một công ty có trị giá hàng trăm tỷ USD.
Trong khi đó, B là một học sinh có thành tích bình thường. Tuy nhiên, dù thi đạt điểm cao nhưng cô ấy lại không học ở trường top đầu. Dù vậy, B cũng không vội vàng hay sốt ruột gì cả.
Sau khi tốt nghiệp đại học, B đi học lấy chứng chỉ kế toán để giết thời gian vì tình yêu tan vỡ. Sau đó, cô phát hiện có một cơ sở đào tạo du học ở cạnh bên nên đã quyết tâm biến thất tình trở thành động lực để học tiếng Anh. Sau này, B không ra nước ngoài du học như kế hoạch nữa nhưng giờ cô bạn này cũng đã trở thành Giám đốc tài chính của một công ty nằm trong top 500 công ty mạnh nhất thế giới.
Bạn C hầu như lại không có gì để nói ngoại trừ việc viết luận rất giỏi thời đi học, cô đậu vào một trường đại học top 3 rồi sau đó vào làm trong ngành báo chí ở Quảng Châu. Sau đó, C trở thành Giám đốc một cổng thông tin điện tử với mức lương hàng năm là 500.000 NDT. Năm đó, khi phong trào khởi nghiệp rầm rộ khắp mọi nơi, C cũng đã tham gia và hiện nay là Phó Chủ tịch của một công ty trị giá hàng tỷ USD.
Trong số các bạn cùng lớp của tôi, thực ra không có ai sinh ra đã xuất chúng cả, họ đều là những người vô cùng bình thường. Tuy nhiên, chúng ta không khó để nhìn ra những quy tắc của người những người có cuộc sống tốt như những người bạn trên của tôi.
Quy tắc 1: Cuộc sống này không chỉ có một con đường để đi được đến đích
Không có trường mầm non tốt thì không có trường tiểu học tốt, không có trường tiểu học tốt thì không có trường trung học tốt, không có trường trung học tốt thì không có trường đại học tốt, không có trường đại học tốt thì khó có việc làm tốt, không có việc làm tốt thì sẽ không có cuộc sống tốt đẹp.
Thời của chúng tôi, vào được đại học đã là một thắng lợi, lớp chúng tôi có hơn 40 người, cuối cùng có hơn 30 người vào đại học, có người đỗ trường điểm, có người đỗ cao đẳng. Lúc đó tôi nghĩ rằng chúng tôi có xuất phát điểm rất khác nhau.
Nhưng sau khi đã 40 tuổi, tôi thấy rằng sự cách biệt về cuộc sống giữa mọi người không còn lớn nữa. Khi đã đi được một chặng đường khá dài, tôi nhận ra những thành tích tạm thời như điểm thi đại học, học đại học trường nào không phải là yếu tố cơ bản quyết định đích đến cuối cùng của một người.
Quy tắc 2: Điều thực sự quyết định thành công của một người thực ra không phải là điểm số nằm trên bài thi
Sau khi Ke Jie, một kỳ thủ cờ vây Trung Quốc, chấp nhận bỏ cuộc trước trí tuệ nhân tạo “Alpha Dog”, mọi người như thường lệ sẽ bàn tán về những năng lực mà giáo dục nên bồi dưỡng để trẻ em có thể tự tin bước chân vào tương lại.
Tuy nhiên, chúng ta có thể kết luận rằng năng lực nào được thay thế bằng máy móc hay trí tuệ nhân tạo đều không đáng để dành thời gian rèn luyện, những năng lực mà không chuyển giao sang được các lĩnh vực khác thì không đáng quan tâm.
Nền giáo dục của chúng ta nên dành nhiều thời gian và công sức để đánh giá mức độ nắm vững kiến thức của học sinh hơn là việc chỉ chăm chăm vào những con số kết quả thi trên giấy.
Quy tắc 3: Thành công không có ý nghĩa tuyệt đối và niềm hạnh phúc của mỗi người là khác nhau.
Nếu bạn nhìn lại chặng đường sau 20 năm tốt nghiệp, bạn sẽ cảm thấy cuộc đời thật trầm lắng và nhẹ nhàng, bởi vì những người bạn cùng lớp khiến bạn ghen tị thực ra không hề ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
Bạn sẽ thấy rằng không có cuộc sống nào đáng để ghen tị tuyệt đối, cũng không có cuộc sống nào đáng để bị coi thường tuyệt đối. Nếu bạn tập trung sống tốt cho cuộc sống của chính mình, bạn có thể đạt đến đỉnh cao của sự hạnh phúc.
Quy tắc 4: Gia đình hạnh phúc là nền tảng tốt nhất cho con cái
Trong số các bạn cùng lớp của tôi, có những người có cuộc sống đặc biệt tồi tệ, đó là những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình gặp những biến cố, những cú sốc lớn. Khi trẻ em trưởng thành, chúng vẫn bị những điều tiêu cực này ám ảnh và thậm chí, nhiều người có thể chọn không kết hôn hoặc lập gia đình.
Có những bạn lớp tôi lựa chọn trở thành bà mẹ đơn thân. Họ không có niềm tin vào đàn ông. Bởi lẽ một gia đình lục đục, đời sống hôn nhân bất ổn thì dù sự nghiệp thành công đến đâu cũng khó có được cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn.
Quy tắc 5: Nếu bạn không sống cho cuộc đời của chính mình thì cái giá phải trả là rất đắt
Ai không lựa chọn công việc theo đúng nguyện vọng của mình thì sau này sẽ hay phàn nàn, tiêu cực; ai không bước vào hôn nhân theo đúng nguyện vọng của mình thì rất có thể sẽ xem hôn nhân là mồ chôn của tình yêu.
Nhìn lại hành trình trưởng thành 20 năm của chúng tôi, tôi thấy rằng “nửa còn lại của cuộc đời, chúng ta chính là kẻ thù của chính mình”. Thứ có thể dẫn đường ta đến thành công là nội lực từ bên trong, không phải là những thứ khốc liệt và ồn ào từ bên ngoài.
Tôi muốn yêu cầu bạn tưởng tượng rằng chúng ta đang chờ chuyến xe buýt của cuộc đời và lo lắng là một hành lý đang đè nặng lên vai bạn. Nếu bạn mang nỗi lo lắng trên vai, chiếc xe buýt cũng sẽ không thể đi nhanh hơn. Nếu bạn bỏ hết thảy lo lắng xuống, thậm chí là vứt hành lý đi thì xe buýt cũng không vì thế mà đi chậm hơn. Vì vậy hãy nhìn tất thảy cuộc sống bằng con mắt tích cực vì dù sao ta cũng chỉ đến cuộc đời này một lần trong đời.
Theo: Aboluowang