Huawei Technologies đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) khổng lồ tại Thượng Hải nhằm tăng cường chuỗi cung ứng giữa bối cảnh Washington siết hạn chế xuất khẩu công nghệ.
Trọng tâm của nhiệm vụ này là các máy in thạch bản - thiết bị quan trọng trong sản xuất vi xử lý tiên tiến. Những hạn chế xuất khẩu của Mỹ và đồng minh khiến khả năng tiếp cận những cỗ máy này của Huawei giảm sút, khi thị trường máy đúc chip đang nằm trong tay ba ông lớn là ASML (Hà Lan), Nikon và Canon (Nhật Bản).
Trung tâm R&D mới nằm ở phía Tây Thượng Hải, sẽ bao gồm một cơ sở phát triển vi xử lý chủ chốt và trụ sở mới của HiSilicon Technologies - đơn vị thiết kế chip của Huawei. Ngoài ra, còn có trung tâm nghiên cứu công nghệ không dây và smartphone.
Chính quyền thành phố cho hay, tổng vốn đầu tư của dự án này khoảng 12 tỷ NDT (1,66 tỷ USD), là một trong những dự án hàng đầu của Thượng Hải trong năm 2024.
Để dễ hình dung, quy mô của dự án có diện tích bằng 224 sân bóng đá gộp lại. Huawei cũng thiết kế tàu điện di chuyển giữa các toà nhà trong khuôn viên. Khi hoàn thành, trung tâm này có thể chứa hơn 35.000 lao động công nghệ cao.
Chi phí R&D của Huawei trong năm 2023 đạt mức kỷ lục 164,7 tỷ NDT, chiếm 23,4% tổng doanh thu tập đoàn.
Trước khi bị Washington đưa vào danh sách đen thương mại, công ty này chủ yếu thiết kế chip và thuê đối tác sản xuất nước ngoài như TSMC và Globalfoundaries. Hiện các nhà sản xuất nội địa như SMIC đang là đối tác đúc chip cho Huawei. Tuy nhiên, công ty dự định sẽ tự chủ khâu đúc chip với hàng loạt thoả thuận được chính quyền ủng hộ tại các thành phố như Thẩm Quyến, Thanh Đảo và Tuyền Châu.
Nguồn tin của Nikkei Asia cho hay, để thu hút lao động chất lượng cao về trung tâm, Huawei đề nghị mức lương gấp đôi so với những công ty sản xuất chip nội địa khác. Gã khổng lồ công nghệ vốn đã thuê lượng lớn kỹ sư từng làm việc cho những nhà sản xuất công cụ đúc chip hàng đầu thế giới như Applied Materials, Lam Research, KLA và ASML.
Những kiểm soát xuất khẩu công nghệ mà Mỹ áp đặt trong vài năm qua đã tác động tới thị trường việc làm ở đại lục. Việc các kỹ sư mang quốc tịch Trung Quốc ngày càng khó làm việc cho những công ty chip nước ngoài đang mở ra cơ hội cho Huawei và doanh nghiệp nội địa thu hút nhân tài.
Tuy nhiên, các giám đốc trong ngành nhận định, mặc dù gói lương “hào phóng” nhưng thách thức lớn nhất với các kỹ sư là văn hoá làm việc.
“Môi trường làm việc rất tàn nhẫn. Không phải là 996 - từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần nữa, mà trở thành 007 - từ 0h sáng hôm nay đến 0h sáng hôm sau, 7 ngày/tuần, không có ngày nghỉ”, một kỹ sư chip người Trung Quốc nói. “Hợp đồng thường kéo dài ba năm, nhưng hầu hết đều không thể trụ lại cho đến khi tái ký”.
Hiện các nhà đúc chip Trung Quốc đang tìm kiếm những thiết bị sản xuất nội địa để thay thế cho những thiết bị bán dẫn nhập khẩu nước ngoài. Naura, công ty cung ứng thiết bị đúc chip hàng đầu tại đại lục, đã ghi nhận doanh thu tăng gấp bốn lần kể từ năm 2018 và được cho là tiếp tục phá kỷ lục trong năm 2023 vừa qua.
'Chiến binh' mới của Huawei đáp trả đanh thép các lệnh trừng phạt từ Mỹ
Vivo dẫn đầu, Huawei bám sát: Apple rơi xuống vị trí thứ ba tại Trung Quốc