Theo ông Gergely Gulyas, Chánh Văn phòng của Thủ tướng Viktor Orban, Hungary cùng với 9 quốc gia khác sẽ thanh toán khí đốt bằng đồng euro tại ngân hàng Gazprombank của Nga, sau đó ngân hàng này sẽ chuyển số tiền thanh toán trên sang đồng ruble.
Trước đó, Tập đoàn Năng lượng Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria với lý do Moskva đã không nhận được khoản thanh toán bằng đồng ruble từ hai quốc gia này cho các hợp đồng mua khí đốt.
Hungary cho biết, nước này không có "sự lựa chọn" nào khác với nguồn khí đốt từ Nga và sẽ phải chi rất nhiều tiền cho nhiên liệu nếu không có nguồn cung từ Moskva.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã từng cảnh báo các công ty không thực hiện theo yêu cầu của Nga về hình thức thành toán khí đốt trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực hối thúc sự ứng phó đồng nhất của EU trước việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Các nhà máy lọc dầu của công ty năng lượng lớn nhất Hungary, Mol Nyrt., được thiết kế để chế biến dầu thô Ural của Nga và sẽ mất 2-4 năm để đại tu nhà máy này cho việc sản xuất các loại dầu khác. Theo Giám đốc điều hành Zsolt Hernadi chi phí cho việc đại tu trên vào khoảng 500 đến 700 triệu USD.
Hungary là một trong những quốc gia lên tiếng phản đối việc mở rộng các lệnh trừng phạt của EU đối với dầu khí của Nga.
Do điều kiện cơ sở hạ tầng, Hungary không có các lựa chọn thay thế để đảm bảo các nguồn năng lượng hoặc các tuyến đường cho phép nước này ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga trong những năm tới.
Đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tháng 3 đã ký sắc lệnh quy định tất cả các hợp đồng cung cấp khí đốt với các công ty đăng ký hoạt động tại các quốc gia "không thân thiện" chỉ được thanh toán bằng đồng ruble bắt đầu từ ngày 1/4/2022.
EU phản ứng thế nào sau khi các nước châu Âu bị Nga cắt nguồn cung khí đốt?
Về phía các nhà cung cấp khí đốt của Nga, việc thanh toán bằng đồng ruble sẽ giúp tăng đáng kể doanh thu. Nga đã phát triển và cung cấp cho các khách hàng một hệ thống thanh toán mới.
Theo kế hoạch thanh toán này, khách hàng mua nguyên liệu thô phải mở hai tài khoản ngân hàng bằng đồng ngoại tệ và đồng ruble với Gazprombank, ngân hàng do Nga kiểm soát. Khách hàng mua năng lượng thanh toán bằng đồng euro hoặc USD, sau đó Gazprombank sẽ chuyển số tiền này vào tài khoản đồng ruble.
Theo một nguồn tin thân cận với Gazprombank, 10 khách hàng châu Âu mua khí đốt của Nga đã mở tài khoản như vậy và 4 trong số đó đã thanh toán theo phương thức nói trên