Thế giới

‘Nói một đằng, làm một nẻo’: Châu Âu vẫn mạnh tay nhập khẩu khí đốt Nga để cứu lấy nền kinh tế

Thanh Lê 19/05/2025 - 19:16

Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ về việc giảm sự phụ thuộc năng lượng và thái độ cứng rắn với Nga, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chi tới 4,5 tỷ euro để nhập khẩu khí đốt từ quốc gia này trong quý đầu năm 2025 – tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Eurostat và tính toán của hãng tin TASS.

Cụ thể, EU đã mua 1,8 tỷ euro khí đốt qua đường ống và 2,7 tỷ euro khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga chỉ trong ba tháng đầu năm.

Dù nguồn khí từ Ukraine đã ngừng hoàn toàn từ tháng 1, Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai cho EU theo giá trị, chiếm 18,2% tổng nhập khẩu khí, chỉ xếp sau Mỹ với 28,2%.

‘Nói một đằng, làm một nẻo’: Châu Âu vẫn mạnh tay nhập khẩu khí đốt Nga để cứu lấy nền kinh tế - ảnh 1
Đường ống TurkStream vẫn đưa khí đốt Nga đến châu Âu

Điều khiến giới quan sát sửng sốt là mức độ nhập khẩu này diễn ra giữa lúc nhiều quốc gia EU vẫn công khai chỉ trích Nga và nỗ lực xây dựng “độc lập năng lượng”. Nhưng trên thực tế, việc loại bỏ khí đốt Nga khỏi cán cân năng lượng châu Âu đang diễn ra chậm hơn nhiều so với những tuyên bố chính trị.

Tháng 3 vừa qua, EU đã nhập khẩu 830 triệu euro LNG từ Nga – tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước, dù giảm nhẹ so với tháng 2. Pháp là quốc gia mua nhiều nhất, với 465 triệu euro, mức cao kỷ lục kể từ cuối năm 2022. Hà Lan và Tây Ban Nha lần lượt theo sau, trong khi Bỉ lại cắt giảm mạnh, chỉ còn nhập 92 triệu euro, mức thấp nhất trong vòng 5 tháng.

Trong khi đó, nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống chỉ đạt 340 triệu euro trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 10/1999 – phản ánh sự sụt giảm dài hạn của hình thức vận chuyển truyền thống này, vốn đang chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn về mặt chính sách.

Không Nga, vẫn chưa xong bài toán năng lượng

Mỹ tiếp tục là nguồn cung LNG chủ lực, bán cho EU gần 7 tỷ euro khí đốt trong quý I, chiếm 28,2% thị phần. Algeria, Na Uy và Azerbaijan lần lượt chiếm 16,3%, 12,5% và 5,3% tổng giá trị nhập khẩu khí của khối.

Tuy nhiên, tổng thể cho thấy châu Âu vẫn rơi vào thế phụ thuộc năng lượng đan xen: vừa muốn thoát khỏi Nga, vừa chưa có đủ điều kiện để làm điều đó một cách dứt khoát. Dù các kho LNG được mở rộng và chuỗi cung ứng đang đa dạng hóa, nhu cầu tiêu thụ cao cùng hạ tầng thay thế còn thiếu vẫn khiến khí đốt Nga – đặc biệt dưới dạng LNG – tiếp tục chảy vào lục địa già.

Khác với khí qua đường ống, LNG từ Nga không bị ràng buộc chặt về chính sách nên vẫn dễ dàng tiếp cận thị trường châu Âu. Điều này khiến Brussels rơi vào thế khó xử: nếu cắt hoàn toàn nguồn cung từ Nga, nhiều nền kinh tế sẽ đối mặt nguy cơ thiếu hụt – nhất là trong mùa đông tới. Ngược lại, nếu tiếp tục mua, EU sẽ phải trả lời câu hỏi về tính nhất quán trong chiến lược đối ngoại và an ninh năng lượng.

Khi khẩu hiệu “thoát Nga” được lặp đi lặp lại trong các hội nghị cấp cao, thị trường lại cho thấy một thực tế hoàn toàn khác: châu Âu vẫn cần Nga – ít nhất là trong ngắn hạn. Và chừng nào điều này còn tồn tại, thì chiến lược tách rời năng lượng khỏi Moskva sẽ chỉ là một bài toán chưa có lời giải trọn vẹn.

Với nhiều quốc gia thành viên EU, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Pháp, Đức và Hà Lan, chi phí năng lượng vẫn là yếu tố quyết định sức cạnh tranh sản xuất và mức sống người dân. Trong bối cảnh giá khí toàn cầu biến động và nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông chưa thể giảm, việc tiếp tục nhập LNG của Nga – vốn linh hoạt hơn về chính sách và giá cả – trở thành lựa chọn “thực dụng”.

Hệ quả là EU rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc tiếp tục phụ thuộc một phần vào nguồn cung từ Moskva để bảo vệ tăng trưởng, hoặc kiên quyết cắt đứt và chấp nhận cú sốc kinh tế trong ngắn hạn. Điều này khiến các cam kết chiến lược trở nên mờ nhạt, thậm chí tạo ra hình ảnh “nói một đằng, làm một nẻo” trong mắt dư luận và giới phân tích quốc tế.

>> Kinh tế Nga phát tín hiệu cảnh báo: Tăng trưởng lao dốc, lạm phát vượt tầm kiểm soát?

Mỹ chuẩn bị thâu tóm đường ống khí đốt cuối cùng của Nga tại châu Âu

Mỹ mở ‘cửa sau’ cho khí đốt Nga trở lại châu Âu: Cái bắt tay ngầm đổi lấy hòa bình cho Ukraine?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/noi-mot-dang-lam-mot-neo-chau-au-van-manh-tay-nhap-khau-khi-dot-nga-de-cuu-lay-nen-kinh-te-142710.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Nói một đằng, làm một nẻo’: Châu Âu vẫn mạnh tay nhập khẩu khí đốt Nga để cứu lấy nền kinh tế
    POWERED BY ONECMS & INTECH