Quốc gia ứng cử viên EU mua thêm 400 m3 khí đốt Nga với giá siêu rẻ
Serbia đang thúc đẩy các thỏa thuận khí đốt dài hạn với Nga nhằm đảm bảo an ninh năng lượng mùa đông, bất chấp sức ép từ Liên minh châu Âu về việc cắt giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Moscow.
Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga đang xúc tiến ký kết một hợp đồng cung cấp khí đốt mới với Serbia, hãng tin TASS dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết ngày 20/5.
Serbia hiện phụ thuộc lớn vào khí đốt từ Nga và đang tìm cách gia hạn thỏa thuận cung cấp đã hết hạn vào tháng 3. Dù giữ mối quan hệ gần gũi với Moscow, Belgrade cũng đang trong tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu.

Kể từ năm 2021, Nga cung cấp khí đốt cho Serbia thông qua tuyến đường ống TurkStream chạy qua Biển Đen. Trong năm 2024, lượng khí đốt Nga xuất khẩu sang Serbia ước đạt khoảng 3 tỷ mét khối.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã đến Nga vào ngày 8–9/5 để tham dự lễ kỷ niệm 80 năm chiến thắng. Theo ông Novak, các nội dung về hợp đồng khí đốt mới đã được bàn thảo trong khuôn khổ chuyến thăm này.
Trong một diễn biến liên quan, tờ Vedomosti cho biết Tổng giám đốc công ty khí đốt quốc doanh Srbijagas, ông Dusan Bajatovic, tiết lộ trên kênh truyền hình TV Prva (Belgrade) rằng thỏa thuận mới dự kiến sẽ được ký vào ngày 31/5. Ông cũng cho biết sẽ đến Moscow trong tuần này để tiếp tục đàm phán.
Các cuộc đàm phán giữa Serbia và Gazprom diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga vào cuối năm 2027 do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine.
Bất chấp áp lực từ EU, Serbia vẫn đạt được thỏa thuận bổ sung với Gazprom về việc cung cấp thêm 400 triệu mét khối khí đốt trong mùa đông năm nay, theo thông tin từ truyền thông Serbia Danas ngày 10/10.
Giám đốc điều hành công ty khí đốt quốc doanh Srbijagas, ông Dusan Bajatovic, đã đạt được thỏa thuận với Giám đốc điều hành Gazprom, ông Alexey Miller, tại Diễn đàn Khí đốt Quốc tế ở St. Petersburg. Ông Bajatovic cho biết nguồn cung mới sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng cho Serbia trong mùa đông sắp tới.
Trước đó, vào tháng 5/2022, Serbia đã ký một thỏa thuận ba năm với Gazprom ngay sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine. Việc cung cấp khí đốt bổ sung mùa đông này sẽ vẫn theo các điều khoản của hợp đồng hiện tại. Chính phủ Serbia dự kiến sẽ xem xét gia hạn thỏa thuận vào quý I năm 2025.
Ngoài ra, hai bên cũng đã thảo luận việc mở rộng cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm tại Banatski Dvor (miền bắc Serbia) lên công suất 750 triệu mét khối. Serbia đã thống nhất sử dụng công nghệ của Nga cho dự án này vào ngày 8/10.
Hiện Serbia tiêu thụ khoảng 2,5 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, trong đó khoảng 2 tỷ mét khối đến từ Nga. Khí đốt Nga được vận chuyển đến Serbia thông qua hai tuyến đường chính là TurkStream và Balkan Stream, qua Biển Đen và Thổ Nhĩ Kỳ, né tránh lãnh thổ Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine đã tuyên bố sẽ chấm dứt hợp đồng trung chuyển khí đốt với Gazprom vào cuối năm 2025. Nhiều nước EU, bao gồm Croatia và Slovenia, đã dừng hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt của Nga. Tuy nhiên, một số quốc gia như Hungary vẫn tiếp tục sử dụng khí đốt Nga thông qua Ukraine và TurkStream.
Dù giữ mối quan hệ gần gũi với Moscow và không tham gia các lệnh trừng phạt, Serbia cũng đang mở rộng các phương án thay thế nhằm đáp ứng yêu cầu của EU trong lộ trình gia nhập khối.
Dù là ứng cử viên gia nhập EU và đã ký nhiều thỏa thuận nhằm đa dạng hóa nguồn cung — bao gồm các hợp đồng với Azerbaijan, Hy Lạp và Romania — Serbia vẫn duy trì sự phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tháng 11/2023, Belgrade ký hợp đồng với Azerbaijan để nhập khẩu 400 triệu mét khối khí đốt mỗi năm từ 2024 đến 2026, và tăng lên 1 tỷ mét khối từ năm 2027. Ngày 7/10, Serbia và Bắc Macedonia ký biên bản ghi nhớ xây dựng tuyến ống dài 70 km nối với nhà ga LNG tại Alexandroupolis (Hy Lạp). Trước đó, ngày 6/8, Belgrade cũng ký thỏa thuận với Romania về một đường ống kết nối hai chiều với công suất 1,6 tỷ mét khối mỗi năm.
Hiện tại, Serbia đang trả mức giá khoảng 275 USD cho mỗi 1.000 mét khối khí đốt Nga — thấp hơn đáng kể so với giá trung bình tại thị trường châu Âu, giúp nước này duy trì mức giá năng lượng ổn định trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu biến động.
Tham khảo Reuters, Kyiv Independent
>> Mỹ chuẩn bị thâu tóm đường ống khí đốt cuối cùng của Nga tại châu Âu
G7 ‘ra tay’: Siết dầu Nga, hàng giá rẻ Trung Quốc có nguy cơ bị áp thuế toàn cầu
Cắt van khí đốt Nga, EU gấp rút phục hồi dự trữ trước mùa đông