Thế giới

Cắt van khí đốt Nga, EU gấp rút phục hồi dự trữ trước mùa đông

Vũ Bấc 21/05/2025 19:10

Sau mùa đông năm 2024, các kho chứa khí đốt của châu Âu đã sụt giảm tới 2/3 tính đến tháng 3/2025.

Theo ước tính từ Financial Times, Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải chi thêm tối thiểu 10 tỷ euro so với năm ngoái để khôi phục dự trữ khí đốt trước mùa đông tới, sau khi trải qua mùa lạnh đầu tiên trong bốn năm qua làm cạn kiệt nghiêm trọng nguồn dự trữ của khối.

Cắt van khí đốt Nga, EU gấp rút phục hồi dự trữ trước mùa đông - ảnh 1
Dự trữ khí đốt của châu Âu trung bình sau mùa đông giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2022

Kể từ khi xung đột Ukraine - Nga bắt đầu năm 2022, EU đã thống nhất chính sách nạp đầy kho dự trữ lên 90% công suất vào mỗi mùa hè nhằm ngăn ngừa tình trạng gián đoạn nguồn cung trong những tháng mùa đông. Sau mùa đông năm 2024, các kho chứa khí đốt của châu Âu đã sụt giảm tới 2/3 tính đến tháng 3/2025, thúc đẩy các Chính phủ phải gấp rút tìm nguồn cung thay thế và chi tiêu nhằm phục hồi kho dự trữ về ngưỡng an toàn.

"Châu Âu vừa trải qua mùa đông thực sự đầu tiên kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra", ông Ano Kuhanathan, chuyên gia phân tích tại Allianz Trade, đơn vị cung cấp bảo hiểm cho các nhà giao dịch, nhận định. Ông bổ sung rằng việc thiếu gió để sản xuất năng lượng tái tạo cũng góp phần đẩy mức tiêu thụ khí đốt lên cao.

Mặc dù giá khí đốt hiện thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm, ông Kuhanathan ước tính sẽ cần khoảng 26 tỷ euro để đạt mục tiêu dự trữ 90% vào tháng 11 tới. Con số này cao hơn đáng kể so với 16 tỷ euro đã chi để nạp đầy 99% công suất trong năm ngoái.

Gần đây, các quốc gia thành viên EU đã thống nhất áp dụng cách tiếp cận linh hoạt hơn đối với mục tiêu dự trữ khí đốt, sau khi nhận được nhiều phản hồi cho rằng ngưỡng cứng nhắc 90% đã gây ra hiện tượng tăng giá đột biến vào mùa hè khi các chính phủ đồng loạt nỗ lực bổ sung kho dự trữ.

Đức hiện là quốc gia có mức độ phụ thuộc cao vào khí đốt, đã đi đầu trong việc kêu gọi cách tiếp cận linh hoạt hơn sau khi EU đề xuất gia hạn quy định hiện hành đến năm 2027. Tuy nhiên, những sửa đổi pháp lý được đề xuất có thể dẫn đến việc giảm mục tiêu dự trữ xuống 7%, tạo ra tình trạng bất ổn định trong mùa bổ sung dự trữ năm nay do những thay đổi này khó có thể được thông qua và triển khai trước mùa hè.

Theo ông Kuhanathan, Liên minh châu Âu đã chi khoảng 100 tỷ euro để nhập khẩu khí đốt và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm 2024.

Việc duy trì mức dự trữ khí đốt dồi dào đóng vai trò then chốt trong việc bình ổn giá năng lượng và giảm thiểu rủi ro các quốc gia thành viên phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường khí đốt mở khi nhu cầu tăng đột biến vào những tháng mùa đông.

Cắt van khí đốt Nga, EU gấp rút phục hồi dự trữ trước mùa đông - ảnh 2
Dự trữ khí đốt làm giảm nguy cơ các quốc gia phải cạnh tranh trên thị trường mở trong thời kỳ nhu cầu tăng đột biến vào mùa đông

Cơ quan đại diện ngành khí đốt châu Âu - Eurogas, cảnh báo các nhà hoạch định chính sách cần "sớm truyền đạt rõ ràng" về các biện pháp dự trữ, nhằm tránh gây thêm bất ổn cho thị trường.

Một báo cáo của tổ chức này cũng cho biết: “Các nghĩa vụ lưu trữ có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng giá khí đốt bán buôn cao và biến động.”

Chuyên gia kinh tế năng lượng Thierry Bros Kuhanathan cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn đang trì hoãn việc nạp đầy kho chứa, kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng làn sóng tích trữ vào cuối mùa hè có thể đẩy giá khí đốt tăng trở lại.

Theo các nhà phân tích tại Morgan Stanley, giá khí đốt có thể tăng khoảng 10% trong mùa hè do nhu cầu tái nạp lớn. Họ ước tính, châu Âu sẽ cần tăng nhập khẩu LNG thêm 45% so với năm ngoái để đạt mục tiêu lấp đầy 80% kho dự trữ.

Tuần trước, ông Peder Bjorland, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh khí đốt tại Equinor – nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu – nhận định, khu vực này sẽ phải trả giá cao hơn để cạnh tranh với Trung Quốc và các quốc gia châu Á trong mùa hè.

“Tôi nghĩ giá cả là công cụ quan trọng nhất trong cuộc chơi này,” ông nói với Reuters tại hội nghị khí đốt tổ chức ở Amsterdam. “Trung Quốc đang quay trở lại và có thể cạnh tranh".

Gần đây, quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới - Trung Quốc - đã giảm nhu cầu do thời tiết thuận lợi và triển vọng kinh tế yếu. Tuy nhiên, một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trong căng thẳng thương mại với Mỹ, được công bố đầu tháng này, có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và kéo theo nhu cầu khí đốt gia tăng.

Bên cạnh đó, Morgan Stanley cũng cảnh báo: “Nếu thời tiết nóng khiến nhu cầu LNG ở châu Á tăng lên trong mùa hè, thị trường có thể bị siết chặt và đẩy giá khí đốt toàn cầu tăng mạnh".

Tham khảo Financial Times (FT)

>> Mỹ chuẩn bị thâu tóm đường ống khí đốt cuối cùng của Nga tại châu Âu

‘Nói một đằng, làm một nẻo’: Châu Âu vẫn mạnh tay nhập khẩu khí đốt Nga để cứu lấy nền kinh tế

Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á liên tiếp phá kỷ lục dự trữ gạo, sắp tự cung tự cấp: Việt Nam thiệt đơn thiệt kép?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/cat-van-khi-dot-nga-eu-gap-rut-phuc-hoi-du-tru-truoc-mua-dong-142861.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Cắt van khí đốt Nga, EU gấp rút phục hồi dự trữ trước mùa đông
    POWERED BY ONECMS & INTECH