Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, Việt Nam đang được kỳ vọng trở thành điểm sáng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.
Chiều 28/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" để thảo luận về các biện pháp tiếp tục ổn định và giúp thị trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đồng thuận nhận định rằng, trong bối cảnh bề bộn khó khăn của kinh tế toàn cầu, việc Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, bảo đảm thu – chi,… là những kết quả rất đáng trân trọng.
Thu hút FDI 5 tháng năm 2023 đạt gần 11 tỷ USD
Theo thông tin Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa công bố, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm và tăng 18,4% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thế giới nhìn vào là điểm sáng, háo hức muốn đầu tư, kỳ vọng Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị mới
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho biết: Thế giới kỳ vọng vượt qua đại dịch nhưng không ngờ ngấm sâu vào sức khỏe nền kinh tế, có những cái không phải ngày một ngày hai.
Trong khi đó, bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine khiến tình hình quốc tế bất ổn, lạm phát lên cao, lãi suất lên cao chưa từng thấy, các nước đang phải vật lộn. Với bối cảnh đó, cần phải thông cảm với Chính phủ, các địa phương, các doanh nghiệp đang phải vật lộn quyết liệt.
Trước những khó khăn của thế giới, Việt Nam vẫn giữ vững được phong độ phát triển. Bên ngoài nhìn vào Việt Nam hiện như con tàu chòng chành thế nhưng có sự chèo lái vững vàng, hệ số tín nhiệm cải thiện, thu chi ngân sách tốt, lạm phát kiểm soát chặt chẽ so với nhiều nước.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang dần trở thành điểm sáng, dù IMF dự báo Việt Nam năm nay tăng trưởng 5,8%, nhưng dự đoán năm sau khá cao. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng vào tương lai phát triển của nước ta.
Giống như Việt Nam, Singapore có tỉ lệ thương mại cao gấp mấy lần GDP. Quý 1/2023, GDP Singapore tăng 0,1%. Tăng trưởng của Mỹ khi điều chỉnh vừa rồi xuống còn 1,1%, tức là dấu hiệu còn khó khăn trước khi trở lại thuận lợi.
Nhìn chung, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Vì nước ta sở hữu đồng tiền ổn định, ít bị mất giá, từ đó có thể góp phần thúc đẩy đầu tư công, cao tốc, dự án... Ngoài ra, Việt Nam dễ dàng thu hút đầu tư còn nhờ Chính phủ chú trọng tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng trong mọi lĩnh vực kinh tế, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, thành công hút vốn từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Dự án xây dựng đường hầm qua sân bay lớn thứ tư Việt Nam có chuyển động mới
Thương mại Việt Nam – Trung Quốc bứt phá, hướng tới kỷ lục chưa từng có