Huy động 0 lao động, cường quốc gây ‘choáng’ khi thành công in 3D đập thuỷ điện: Nhà máy cao 180m hoàn thiện chỉ trong 2 năm, cung cấp gần 5 tỷ kWh điện mỗi năm
Trung Quốc gây ấn tượng mạnh với một siêu dự án xây dựng, sử dụng công nghệ in 3D và trí tuệ nhân tạo mà không cần lao động con người trực tiếp tham gia.
Dự án đáng chú ý là đập thủy điện Yangqu, có chiều cao lên đến 180m, được xây dựng hoàn toàn nhờ công nghệ in 3D và trí tuệ nhân tạo (AI). Toàn bộ quá trình xây dựng diễn ra theo từng lớp thiết kế mà không cần đến sự can thiệp của con người. Thay vào đó, các thiết bị như máy xúc, xe tải, máy ủi và xe lu đều được vận hành tự động dưới sự điều khiển của trí tuệ nhân tạo, trong một quy trình tựa như cách công nghệ in 3D hoạt động.
Công trình sẽ sớm dự kiến hoàn thành và tạo ra khoảng 5 tỷ kWh điện mỗi năm. Nguồn năng lượng khổng lồ này sẽ được truyền tải qua đường dây điện cao thế dài hơn 1.500km để cung cấp cho tỉnh Hà Nam, một trong những khu vực đông dân nhất của Trung Quốc với khoảng 100 triệu người. Hà Nam cũng được xem là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa.
Ban đầu, công nghệ in 3D được áp dụng chủ yếu trong việc sản xuất các linh kiện từ những vật liệu quý hiếm và giúp giảm thiểu chất thải so với các phương pháp gia công truyền thống. Sau này, công nghệ này bắt đầu được mở rộng vào lĩnh vực xây dựng, đặc biệt với các công trình quy mô nhỏ.
Việc ứng dụng công nghệ in 3D vào một dự án khổng lồ như đập thủy điện Yangqu là một bước tiến táo bạo. Khi hoàn thành, đập này hứa hẹn sẽ ghi dấu ấn sâu đậm trong ngành công nghiệp xây dựng trên toàn cầu, chứng minh sức mạnh và tiềm năng của công nghệ trong việc phát triển các công trình quy mô lớn.
Trí tuệ nhân tạo vốn đã được sử dụng để xây dựng các công trình khổng lồ như đập Baihetan - con đập lớn thứ hai thế giới, đã chứng minh được khả năng vượt trội. Dự án Baihetan, hoàn thành trong vòng 4 năm, là một minh chứng rõ nét cho tiềm năng của AI trong các công trình xây dựng. Tuy nhiên, trước đây AI chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ và điều phối công việc.
Với dự án thủy điện Yangqu, AI không chỉ đóng vai trò giám sát mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng. Công trình được chia thành nhiều lớp thiết kế, và mỗi lớp này sẽ được các robot tự động tiến hành xây dựng dưới sự chỉ đạo của AI.
Quy trình xây dựng của đập Yangqu là một sự kết hợp hoàn hảo giữa tự động hóa và công nghệ cao. Máy xúc không người lái có khả năng tự động xác định nguyên liệu từ bãi tập kết, sau đó nạp lên những xe tải tự hành. Một số xe tải này sử dụng điện, giúp tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu khí thải. AI cũng điều phối các phương tiện, đảm bảo vật liệu được chuyển đến đúng vị trí và vào thời điểm chính xác.
Các xe lu tự động sẽ ép chặt các lớp vật liệu để đảm bảo cấu trúc vững chắc. Hệ thống cảm biến được tích hợp vào các xe lu này giúp AI giám sát chất lượng xây dựng thông qua việc phân tích các rung động và các thông số khác.
Một trong những điểm đột phá quan trọng của AI là khả năng học hỏi và điều chỉnh trong môi trường làm việc. Hệ thống AI có thể nhận dạng và phân tích các vật thể xung quanh công trường, xử lý những biến đổi của môi trường và linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.
Siêu dự án thủy điện Yangqu không chỉ thể hiện sức mạnh công nghệ của Trung Quốc mà còn mở ra cánh cửa cho một tương lai nơi máy móc có thể thay thế con người trong các công trình xây dựng phức tạp và nguy hiểm.