'Huy động' 1.800 tỷ USD trong 48 giờ: Ông Trump mơ về một nước Mỹ không tòa án, không báo chí, chỉ có tỷ đô và quyền lực tuyệt đối?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có chuyến công du lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai.
Từ màn đón tiếp trải thảm tím, đội lạc đà và siêu xe điện màu đỏ tại Saudi Arabia, cho tới lời chào mời đầu tư trị giá 1.800 tỷ USD từ các quốc gia vùng Vịnh, ông Trump đang cho thấy một chiến lược rõ ràng: kết nối “Nước Mỹ trên hết” với “thời đại vàng son” của Trung Đông.

“Chúng tôi đã mở ra Thời đại hoàng kim của nước Mỹ. Và Trung Đông hoàn toàn có thể bước cùng chúng tôi", ông Trump tuyên bố trong bài phát biểu quan trọng tại Riyadh.
Điểm nổi bật trong chuyến công du này không chỉ là số tiền cam kết đầu tư – 600 tỷ USD đã được công bố ngày 13/5 – mà còn là hình ảnh một vị Tổng thống Mỹ say mê những gì các lãnh đạo vùng Vịnh đã làm được: từ những thành phố tương lai không giới hạn bởi rào cản môi trường, tới chiến lược thể thao và văn hóa mang đậm dấu ấn “tư bản nhà nước”.
Tại Riyadh, ông Trump ngợi khen các công trình chọc trời “thiên tài”, bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những đổi thay “không tưởng” ở Dubai, Doha và Abu Dhabi.
“Thế hệ lãnh đạo mới nơi đây đang vượt lên trên các mâu thuẫn cũ kỹ để định nghĩa lại Trung Đông bằng thương mại, không phải khủng hoảng,” ông nói.
Mỹ mở cửa – Không đặt câu hỏi
Thông điệp xuyên suốt là rõ ràng: Mỹ dưới thời Trump sẵn sàng hợp tác kinh tế sâu rộng, không ràng buộc bởi các tiêu chuẩn đạo đức quốc tế.
“Quá nhiều Tổng thống Mỹ nghĩ rằng họ phải nhìn thấu tâm hồn lãnh đạo nước ngoài. Tôi nghĩ, đó là việc của Chúa. Việc của tôi là bảo vệ nước Mỹ", ông Trump phát biểu thẳng thắn.
Ông cũng không che giấu sự đồng cảm với các nhà lãnh đạo có xu hướng chuyên quyền – tiêu biểu là Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) của Saudi Arabia, người từng bị cáo buộc liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. “Tôi thích cậu ấy nhiều quá. Bởi thế chúng tôi cho quá nhiều”, ông Trump đùa.
Tại Doha, ông Trump ca ngợi vai trò trung gian độc đáo của Qatar – quốc gia chỉ bằng bang Connecticut với 2,5 triệu dân nhưng là cầu nối giữa Mỹ, Iran, Israel, Nga, Taliban và Hamas. Không ít thỏa thuận ngừng bắn, trao đổi tù nhân và hỗ trợ nhân đạo đều có dấu ấn của Doha.
“Chúng tôi là nước nhỏ, nhưng với tầm ảnh hưởng lớn”, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, ông Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, chia sẻ với Washington Post.
Căn cứ không quân Al Udeid – từng là bí mật – đã trở thành trung tâm chỉ huy của Mỹ ở Trung Đông. Qatar cũng đóng vai trò then chốt trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Venezuela, hòa giải giữa Congo và phiến quân M23, và mới đây nhất là giúp giải cứu con tin người Mỹ cuối cùng tại Gaza.
Tranh cãi về “quà tặng”
Tuy nhiên, sự hiếu khách của Qatar cũng gây tranh cãi khi nước này ngỏ ý tặng ông Trump một chiếc chuyên cơ Boeing 747-8 – để thay thế chiếc Air Force One cũ kỹ đang dùng. Các nhà phê bình lập tức chỉ trích đây là “món quà mua chuộc” vi hiến, trong khi tình báo Mỹ phải vào cuộc kiểm tra độ an toàn.

Vấn đề nhân quyền tại Qatar cũng bị xới lên, từ tình trạng bắt giữ chính trị tới hạn chế tự do ngôn luận. Thượng nghị sĩ Rand Paul cảnh báo: “Tôi không nghĩ nên nhận món quà đó. Nó có thể làm lu mờ đánh giá của chúng ta về hồ sơ nhân quyền của họ.”
“Kỷ nguyên thực dụng” mới của nước Mỹ?
Ông Trump đã công khai xác lập một đường lối đối ngoại “siêu thực dụng” trong nhiệm kỳ này: “Chúa sẽ phán xét các nhà lãnh đạo thế giới. Còn công việc của tôi là bảo vệ nước Mỹ và thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.
Bất chấp những tranh cãi, không thể phủ nhận rằng các quốc gia vùng Vịnh đang nổi lên như trung tâm quyền lực mới trong thế giới đa cực. Và với Donald Trump, đó là nơi vừa có tiền, vừa có quyền — và đặc biệt, không có rào cản pháp lý.
Theo CNN
Canh bạc lớn của Tổng thống Mỹ Trump trong chuyến công du Trung Đông
Nước cờ Trung Đông của ông Trump giữa cuộc đua Mỹ - Trung Quốc