Chưa từng có trong lịch sử, Boeing ký thỏa thuận khủng 96 tỷ USD, bán thành công hơn 200 máy bay
Hãng hàng không quốc gia Qatar Airways vừa đạt được thỏa thuận mới với Boeing khi đặt mua tới 210 máy bay, đánh dấu đơn hàng máy bay thân rộng lớn nhất trong lịch sử của nhà sản xuất Mỹ.
Thông cáo báo chí ngày 14/5 cho biết, đơn hàng này bao gồm 130 chiếc Boeing 787 Dreamliner, 30 chiếc Boeing 777-9, cùng tùy chọn mua thêm 50 máy bay khác trong tương lai. Đây cũng là thỏa thuận lớn nhất từ trước tới nay của Qatar Airways.
Chưa hết, Qatar Airways còn ký hợp đồng mua hơn 400 động cơ từ GE Aerospace, phục vụ cho đội bay mới – một thương vụ mà GE mô tả là lớn nhất trong lịch sử mảng động cơ máy bay thân rộng của họ.
Lễ ký kết diễn ra tại phủ Amiri Diwan, Doha, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Đông. CEO Boeing Kelly Ortberg đã trực tiếp tham dự và ký kết thỏa thuận bên cạnh ông Trump.

“Tầm nhìn của chúng tôi là xây dựng đội bay trẻ, sạch và hiệu quả nhất thế giới. Với nhu cầu đi lại ngày càng cao, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối thế giới một cách tốt hơn và bền vững hơn”, CEO Qatar Airways – ông Badr Mohammed Al-Meer phát biểu.
CEO Boeing Commercial Airplanes, bà Stephanie Pope, gọi đây là “đơn hàng phá kỷ lục” và khẳng định dòng máy bay thân rộng của Boeing “sẽ trở thành trụ cột” trong chiến lược phát triển đội bay tương lai của Qatar Airways.
Chiếc Boeing 777-9, với sức chứa 426 hành khách và hai động cơ, là thành viên mới của dòng 777X. Tuy nhiên, mẫu máy bay này vẫn chưa được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp chứng nhận và chưa có bất kỳ đợt bàn giao nào.
Nhà Trắng định giá thỏa thuận ở mức 96 tỷ USD, ước tính tạo ra 154.000 việc làm trực tiếp mỗi năm tại Mỹ, và hơn 1 triệu việc làm gián tiếp. Boeing và Qatar Airways đưa ra con số thấp hơn, cho rằng thỏa thuận sẽ tạo ra khoảng 400.000 việc làm tại Mỹ.
Ông Trump gọi đây là “đơn hàng máy bay lớn nhất lịch sử Boeing” – một tín hiệu tích cực giữa lúc hãng sản xuất này đang cố gắng phục hồi sau hàng loạt sóng gió kéo dài từ năm 2018, bao gồm các vụ bê bối an toàn, lỗi sản xuất, chi phí vượt mức và đình công kéo dài gần hai tháng vào năm ngoái.
Boeing cũng chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khiến Trung Quốc dừng tiếp nhận máy bay Boeing, theo lời CEO Ortberg hồi tháng trước. Tuy vậy, trong báo cáo tài chính quý I năm nay, Boeing cho biết đã thu hẹp đáng kể thua lỗ và đang xử lý đơn hàng tồn đọng lên tới hơn 500 tỷ USD.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng hòa, South Carolina) hoan nghênh thỏa thuận và gọi đây là “bước ngoặt lớn” cho cả Boeing lẫn ngành công nghiệp hàng không Mỹ. Văn phòng của ông cho biết phần lớn máy bay trong đơn hàng sẽ được lắp ráp tại nhà máy của Boeing ở Charleston.
Nếu được thực hiện đầy đủ, thương vụ này sẽ gần như gấp đôi quy mô đội bay hiện tại của Qatar Airways, vốn đang sở hữu 233 máy bay.
Theo CNBC
>> 600 tỷ USD chảy thẳng vào Mỹ: Ông Trump đạt thỏa thuận chiến lược với quốc gia châu Á