Tỷ phú công nghệ tuổi Rồng Jack Ma khởi nghiệp từ số 0 và "mù công nghệ" nhưng vẫn có thể biến Alibaba thành đế chế khổng lồ. Thành công của ông gói gọn trong một từ "cố gắng".
Jack Ma sinh ra và lớn lên ở Hàng Châu, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông xin việc tại 30 nơi nhưng đều trượt trước khi trở thành giáo viên tiếng Anh. Sau đó, ông được tiếp cận Internet lần đầu trong chuyến công tác đến Mỹ năm 1995. Đó là lúc ông phát hiện ra tiềm năng khổng lồ chưa được khai phá và chuẩn bị cho việc thành lập Alibaba dù “mù công nghệ” và không biết kinh doanh.
Ngày nay, tài sản ròng của tỷ phú sáng lập Alibaba vào khoảng 25 tỷ USD, theo xếp hạng của tạp chí Forbes. Alibaba trở thành một trong những lá cớ đầu của ngành công nghệ Trung Quốc với vốn hóa 181,4 tỷ USD.
“Tôi nghĩ ai cũng có thể thành công nếu thực sự cố gắng”, Jack Ma phát biểu tại hội thảo Viva Tech tại Pháp hồi tháng 5/2019.
Sở dĩ ông tin tưởng như vậy vì ông đã sống đúng như thế. Ma khởi nghiệp Alibaba tại căn hộ của mình năm 1999 khi còn tay trắng và chỉ có một nhóm nhỏ làm cùng, dùng sự kém cỏi làm động lực. “Một trong những điều chúng tôi muốn chứng minh là: Nếu Jack Ma và đồng đội có thể thành công, 80% mọi người trên thế giới cũng có thể”.
>> MyTV chiếu miễn phí loạt ‘bom tấn’ điện ảnh dịp Tết Giáp Thìn
Dưới đây là ba trong số các chìa khóa dẫn tới thành công của Ma trong kinh doanh mà không cần đến bất kỳ kiến thức, tiền bạc hay quan hệ nào.
Tư duy khác biệt là sức mạnh
“Nếu ai cũng nghĩ giống nhau, sẽ không có cơ hội nào cả”, Ma nói trong hội thảo Viva Tech. “Nếu mọi người chỉ trích bạn, bạn phải suy nghĩ. Tôi dành hầu hết thời gian để nghĩ về tương lai, lắng nghe những lời khiển trách. Vì những người giống như tôi đều không có tiền bạc, công nghệ, quan hệ tốt, thứ duy nhhaats chúng tôi có để cạnh tranh với người khác là cách nhìn nhận tương lai”.
Nhìn thấy tương lai mà người khác không thấy chưa thể cho Ma lợi thế cạnh tranh khi ông bắt tay vào làm Alibaba. Khi được sử dụng Internet lần đầu năm 1995 tại Mỹ, ông đã tìm từ khóa “Trung Quốc” nhưng kết quả trả về lại là “không có dữ liệu”.
“Vì vậy, tôi nói với bạn mình: Tại sao không làm gì đó về Trung Quốc. Chúng tôi đã làm một trang vô cùng kỳ cục”, ông nói. Dù vậy, đó là tiền đề để ông mở Alibaba, bắt đầu như “chợ điện tử dành cho thông tin”.
Đừng bao giờ bỏ cuộc
Trong cuộc đời mình, rất nhiều lần Jack Ma bị từ chối.
“Tôi đã thất bại với hai bài thi quan trọng ở tiểu học, ba lần ở trung học. Tôi xin vào Harvard nhưng bị từ chối 10 lần”, ông kể. Cuối cùng, ông thi đậu vào Cao đẳng sư phạm Hàng Châu ở lần thi thứ ba và tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân tiếng Anh.
Ông cũng bị trượt khi xin vào KFC (24 người đăng ký nhưng chỉ có ông thất bại), xin làm cảnh sát hay làm phục vụ tại khách sạn 4 sao ở Hàng Châu. Ngay cả khi Alibaba thành lập, ông cũng không thoát khỏi hiện thực phũ phàng. Năm 2001, ông muốn huy động 5 triệu USD từ các nhà đầu tư Mỹ nhưng thất bại. Ma vẫn kiên trì và đến năm 2005 được Yahoo mua lại cổ phần lớn. Năm 2014, Alibaba có đợt IPO lịch sử 25 tỷ USD.
Theo Ma, bí quyết là đừng thất vọng quá lâu vì bị khước từ. “Tất nhiên, chẳng ai vui vẻ khi bị mọi người ‘nói không’. Hãy ngủ ngon, thức giấc rồi thử lại”. Ông chia sẻ ông được truyền cảm hứng từ nhân vật Forrest Gump trong bộ phim cùng tên nổi tiếng: “Tôi yêu Forrest Gump. Đơn giản là đừng bao giờ bỏ cuộc”.
Tận dụng kỹ năng có sẵn
“Tôi không biết gì về công nghệ, cũng không biết gì về tiếp thị, pháp lý. Tôi chỉ biết về con người”, ông nói tại Paris. Vì thế, ông đã tận dụng điều đó.
Khi làm giáo viên tiếng Anh, ông học cách truyền cảm hứng và trao sức mạnh cho người khác. Ông đã chuyển hóa nó thành truyền cảm hứng và động viên đồng nghiệp. Ông tập trung năng lượng cho những người ông phục vụ (khách hàng) và những người xây dựng công ty. Ông không quá quan tâm đến việc làm cho các nhà đầu tư vui vẻ vì họ dễ thay đổi: “Khi bạn gặp khó khăn, họ chạy rất nhanh”, ông nhận xét.
"Dành thời gian cho khách hàng của bạn. Dành thời gian cho người của bạn, cho nhóm của riêng bạn", Ma nói. "Đừng dành thời gian cho các nhà đầu tư của bạn. Đừng dành thời gian cho đối thủ cạnh tranh của bạn. Khi nhìn vào mọi người, bạn muốn phục vụ. Khi nhìn vào những người làm việc cùng, nếu họ hạnh phúc, bạn sẽ giành chiến thắng. Đó là điều rất đơn giản".
(Theo CNBC)