Jefferies báo tin vui thuế quan cho nhà đầu tư tại Việt Nam, 75 quốc gia đã được Trump ‘tạo điều kiện’ đặc biệt
Đêm 9/4 theo giờ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự kiến gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ để trao đổi về vấn đề thương mại.
![]() |
Việt Nam nằm trong nhóm nước bị áp thuế cao nhất bởi Mỹ |
Vào đúng 11h trưa ngày 9/4 (giờ Việt Nam), chính sách “thuế quan đối ứng” của Tổng thống Donald Trump chính thức có hiệu lực. Hơn 86 quốc gia trên thế giới — từ những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ cho tới những cái tên ít ai ngờ tới như Lesotho hay Lào — đã trở thành đối tượng của đợt đánh thuế chưa từng có tiền lệ này.
Thuế suất lần này không còn dừng ở mức 10% như thông báo trước cuối tuần, mà được nâng vọt lên từ 11% đến 84%. Cá biệt, hàng hóa Trung Quốc phải chịu tổng cộng tới 104% thuế nhập khẩu - con số có thể khiến cả những doanh nghiệp toàn cầu dè chừng. Và Việt Nam, không may, cũng nằm trong danh sách với mức thuế đối ứng sơ bộ 46%.
Trong khi các lãnh đạo Nhà Trắng thể hiện sự tự tin (“Mỹ sẽ sớm trở nên rất giàu có trở lại” – lời ông Trump), thị trường tài chính thế giới lại rúng động. Chứng khoán Mỹ điều chỉnh bốn phiên liên tiếp, lợi suất trái phiếu dài hạn tăng vọt.
Tại châu Á, các thị trường cũng chịu chung số phận; VN-Index đã bốc hơi 223 điểm chỉ trong bốn phiên, tương đương mức giảm 16,6%. Hàng trăm mã bị bán tháo, tâm lý thị trường rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Giữa lúc đó, một tia sáng được thắp lên từ báo cáo của Jefferies: Việt Nam là một trong năm quốc gia được đánh giá có thể đạt thỏa thuận sớm với Mỹ. Khả năng “điều chỉnh thuế” thông qua đàm phán song phương được mở ra, mang lại hy vọng cho thị trường — đặc biệt là nhóm cổ phiếu xuất khẩu đang trong vùng “bán quá mức”.
>> VNDirect nêu 2 kịch bản 'deal' thuế đối ứng với Mỹ, nhà đầu tư cần chuẩn bị gì?
Thực tế cho thấy, nhiều mã trong nhóm dệt may, thủy sản, gỗ, linh kiện điện tử, logistics như FMC, VHC, TNG, PTB, GMD, HAH đã giảm từ 15–25% chỉ trong một tuần do lo ngại thuế quan. Tuy nhiên, nếu kịch bản tích cực xảy ra, những cổ phiếu này được kỳ vọng có thể bật lại nhanh chóng nhờ hiệu ứng tâm lý và dòng tiền bắt đáy quay lại.
Chuyên gia từ VNDirect đưa ra hai kịch bản
Trong câu chuyện "deal" lại thuế quan, đơn vị phân tích của Chứng khoán VNDirect đưa ra hai kịch bản đáng chú ý:
- Kịch bản tiêu cực: Việt Nam bị áp thuế ở mức cao 46%, hàng hóa mất lợi thế, xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm 20–25%, kéo theo tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 9–11%. GDP 2025 có thể tăng trưởng thấp hơn 2–3 điểm %.
- Kịch bản tích cực: Thuế áp dụng ở mức 20–25%, thấp hơn Trung Quốc và ngang bằng các nước trong khu vực. Khi đó, xuất khẩu sang Mỹ chỉ giảm nhẹ 5–10%, tổng kim ngạch giảm 3–5%, GDP chỉ chịu tác động nhẹ ở mức 0,5–1 điểm %.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ đang ở dạng dự đoán. Điều nhà đầu tư cần lúc này không chỉ là theo dõi giá cổ phiếu, mà là dõi theo cả từng chuyển động trong lịch trình ngoại giao.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc |
Gần nhất, vào đêm 9/4 theo giờ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự kiến gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ để trao đổi về vấn đề thương mại. Ngay sau đó, ngày 10/4 ông sẽ có các cuộc làm việc liên tiếp với lãnh đạo SpaceX, Apple, Intel và Coca-Cola – những tập đoàn đang hoặc có ý định mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Một cái bắt tay đúng lúc, một thỏa thuận bất ngờ... có thể khiến thị trường đổi chiều chỉ sau một phiên giao dịch. Dù vậy, cho đến khi mọi thứ rõ ràng hơn, thị trường vẫn đang trong thế... nín thở chờ hồi kết.
Thông tin cập nhật:
Thông báo trên mạng xã hội Truth Social vào rạng sáng ngày 10/4 (theo giờ Việt Nam), ông Donald Trump cho biết có hơn 75 quốc gia đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng của Mỹ - như Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Văn phòng Đại diện Thương mại - để đàm phán.
"Do các quốc gia này đã không thực hiện bất kỳ hành động trả đũa nào chống lại Mỹ, tôi quyết định áp dụng mức thuế đối ứng thấp hơn đáng kể, ở mức 10%, trong thời gian tạm dừng áp thuế trong 90 ngày”.
>> VN-Index mất 223 điểm sau 4 phiên, một ngân hàng 'bốc hơi' 123.000 tỷ đồng vốn hóa