Kết quả chẩn đoán quan trọng nhất chứng minh bạn mắc ung thư
Nhiều người dân đến Bệnh viện K khám trong tâm trạng bàng hoàng, lo lắng khi xét nghiệm máu nhận chẩn đoán "mắc ung thư". Tuy nhiên, theo bác sĩ, kết quả giải phẫu mới xác định chính xác bệnh nhân có mắc ung thư hay không.
Sáng 12/3, Thạc sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Phó Giám đốc Quỹ Ngày mai tươi sáng, Trưởng phòng Công tác xã hội, cho biết mỗi năm, Việt Nam có khoảng 180.480 ca mắc ung thư mới, 120.180 ca tử vong. Tại Việt Nam, hiện nay, khoảng 350.000 người đang sống chung với ung thư.
Thực tế, bệnh nhân ung thư đa phần phát hiện muộn dẫn đến điều trị tốn kém, hiệu quả thấp và bệnh nhân tử vong. Vì vậy, bác sĩ Tĩnh khẳng định công tác khám và sàng lọc phát hiện sớm rất quan trọng, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả điều trị.
Hiện nay, các phương pháp sàng lọc ung thư đều được các hiệp hội y khoa, ung thư trên thế giới khuyến cáo rõ ràng như chụp nhũ ảnh với ung thư vú; nội soi ống mềm đối với dạ dày, đại trực tràng, X-quang, CT liều thấp với ung thư phổi. Mỗi bệnh ung thư đều có phương pháp sàng lọc khác nhau.
Khoảng 5 năm trở lại đây, xét nghiệm gene đã được thực hiện thử nghiệm tại các bệnh viện ở Việt Nam trong sàng lọc các bệnh ung thư gan, dạ dày, phổi, vú, đại trực tràng. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm chỉ là dữ liệu bổ trợ, không thay thế các phương pháp sàng lọc truyền thống. Chi phí xét nghiệm này đắt đỏ (khoảng 7 triệu đồng).
Trên thị trường, nhiều đơn vị quảng cáo chỉ cần xét nghiệm máu để tìm ung thư. Thạc sĩ Tĩnh cho biết tại Bệnh viện, các bác sĩ đều gặp bệnh nhân lo lắng đến khám khi bỗng dưng xét nghiệm máu và bị chẩn đoán ung thư. Tuy nhiên, đây là phương pháp xét nghiệm máu tìm marker ung thư, được khuyến cáo trong theo dõi tái phát bệnh, không có ý nghĩa trong sàng lọc.
Thạc sĩ Tĩnh cho biết thêm kết quả trả lời câu hỏi bạn có bị ung thư hay không chỉ có giải phẫu bệnh. Thậm chí, bác sĩ cho sinh thiết tức thì nhưng kết quả vẫn không phải là chẩn đoán cuối cùng. Các bác sĩ chờ giải phẫu bệnh (thời gian làm từ 7 đến 10 ngày) mới kết luận chính xác. Vì vậy, người dân nên thận trọng trong việc xét nghiệm máu sàng lọc ung thư.
Do việc điều trị ung thư rất tốn kém, từ năm 2012, bệnh viện đã thành lập Quỹ Ngày mai tươi sáng với mục đích hỗ trợ bệnh nhân. Ngoài ra, hàng chục nghìn người dân được sàng lọc ung thư miễn phí thực hiện hàng năm.
Năm 2024, Quỹ Ngày mai tươi sáng tiếp tục phối hợp thực hiện các chương trình hỗ trợ bệnh nhân, tầm soát và phát hiện sớm ung thư, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đào tạo.
>> Vì sao Trung Quốc có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới?