Khách quốc tế đến Hà Nội vượt chỉ tiêu đề ra cả năm 2023
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 9 tháng của năm 2023, tổng khách du lịch đến thành phố ước đạt 18,9 triệu lượt khách, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 15,7 triệu lượt khách, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm trước.
Nếu so với chỉ tiêu ngành Du lịch đề ra trong năm 2023, Hà Nội đón trên 22 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế và 19 triệu lượt khách nội địa, lượng khách quốc tế đến Thủ đô trong 9 tháng năm 2023 đã vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm.
Trong 9 tháng qua, ngành Du lịch Thủ đô đã có sự phục hồi ấn tượng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Hà Nội luôn được các tổ chức du lịch quốc tế đánh giá cao, đứng trong nhóm các thành phố điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Ngày 6/9/2023, Hà Nội tiếp tục được công nhận là Điểm đến thành phố hàng đầu châu Á năm 2023.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, để có được kết quả đó, ngành đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Phát triển các điểm đến, xây dựng các tour, nhóm sản phẩm du lịch mới, tổ chức đa dạng các hoạt động du lịch sôi nổi, hấp dẫn thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước. Các hoạt động tuyên truyền quảng bá được đẩy mạnh nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội đến với du khách.
Sở Du lịch Hà Nội nghiên cứu triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như: Du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn; sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại huyện Ba Vì, Sóc Sơn; sản phẩm du lịch bay khinh khí cầu tại quận Tây Hồ, Long Biên, thị xã Sơn Tây... Thành phố đã triển khai hoàn thiện quy hoạch phân khu xây dựng một số khu chức năng du lịch, dự án phát triển du lịch trọng điểm tại các khu vực: Ba Vì, Hương Sơn - Quan Sơn, núi Sóc - hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa. Đồng thời, thành phố hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng điểm đến du lịch bao gồm: Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối điểm đến du lịch với hệ thống đường bộ thành phố và quốc gia, hệ thống hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch.
Công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Hà Nội tiếp tục được thực hiện. Đặc biệt, Sở Du lịch đang triển khai đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, các website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok...) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Thủ đô với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”.
Tuy vậy, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch chưa đồng bộ, chất lượng chưa đồng đều; thiếu các cơ sở lưu trú có chất lượng cao (hạng 4-5 sao) chưa đáp ứng phục vụ các sự kiện quốc tế lớn và nhóm đối tượng khách du lịch có khả năng chi tiêu cao. Hà Nội còn thiếu các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cuối tuần, công viên chuyên đề mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Các vấn đề này đang được thành phố từng bước tháo gỡ trong thời gian tới.
PV
Du lịch Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024: Thu 758 nghìn tỷ đồng
Hành trình của Đại sứ Pháp: Từ cây thảo dược chân cầu Long Biên đến metro Hà Nội