Thế giới

BRICS lên tiếng về thuế, kêu gọi cải cách toàn cầu

Bình Giang - Theo Reuters 07/07/2025 - 09:56

Lãnh đạo của nhóm các quốc gia đang phát triển BRICS lên tiếng khẳng định vai trò của các nước Nam bán cầu, đồng thời kêu gọi cải cách các thể chế toàn cầu.

Trong bối cảnh các diễn đàn như G7 và G20 bị xáo trộn vì chính sách của Mỹ thay đổi, việc mở rộng BRICS đã mở ra không gian mới cho sự phối hợp ngoại giao.

BRICS lên tiếng về thuế, kêu gọi cải cách toàn cầu ảnh 1
Các nhà lãnh đạo BRICS chụp ảnh chung nhân hội nghị thượng đỉnh tại Rio de Janeiro. (Ảnh: Reuters)

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh tại Rio de Janeiro, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhắc đến Phong trào Không liên kết từ Chiến tranh Lạnh, trong đó các quốc gia đang phát triển phản đối việc tham gia vào bất kỳ phe nào trong một trật tự toàn cầu phân cực.

"BRICS thừa kế Phong trào Không liên kết. Khi chủ nghĩa đa phương đang bị tấn công, quyền tự chủ của chúng ta một lần nữa bị kiểm soát", Tổng thống Lula phát biểu trước các nhà lãnh đạo ngày 6/7.

Ông nhấn mạnh rằng các quốc gia BRICS hiện nay chiếm hơn một nửa dân số và 40% sản lượng kinh tế của thế giới, đồng thời cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.

BRICS ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, sau đó kết nạp thêm Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran, Ả-rập Xê-út và UAE. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của lãnh đạo Indonesia với tư cách thành viên BRICS.

Hơn 30 quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc tham gia BRICS với tư cách thành viên chính thức hoặc đối tác.

Năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tham dự hội nghị. Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự bằng hình thức trực tuyến. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cùng các nhà lãnh đạo đã nhóm họp tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Rio.

Việc mở rộng BRICS đã tăng thêm tầm quan trọng của hội nghị, thể hiện tiếng nói ngày càng lớn của các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu, củng cố lời kêu gọi cải cách các thể chế toàn cầu như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

"Nếu quản trị quốc tế không phản ánh thực tế đa cực mới của thế kỷ 21, BRICS phải giúp đưa nó trở lại hiện thực", Tổng thống Lula nhấn mạnh trong bài phát biểu và nhắc đến các cuộc xung đột ở Trung Đông.

Nhà lãnh đạo Brazil cũng kêu gọi BRICS đi đầu trong cải cách. Nhắc lại hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại cùng địa điểm vào tháng 11 năm ngoái, ông nói: "Trong một thời gian ngắn, bối cảnh quốc tế đã xấu đi đến mức một số sáng kiến ​​mà chúng tôi đã phê duyệt khi đó không còn khả thi nữa".

BRICS lên tiếng về thuế, kêu gọi cải cách toàn cầu ảnh 2
Các lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil. (Ảnh: Reuters)

Trong tuyên bố chung được đưa ra chiều 6/7, các nhà lãnh đạo BRICS cho rằng những cuộc tấn công vào "cơ sở hạ tầng dân sự và các cơ sở hạt nhân hòa bình" của Iran là "vi phạm luật pháp quốc tế".

Nhóm này bày tỏ "quan ngại sâu sắc" đối với số phận người dân Palestine trước các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza và lên án "cuộc tấn công khủng bố" vào phần đất thuộc Kashmir do Ấn Độ quản lý.

Về thương mại, tuyên bố chung cảnh báo việc tăng thuế quan đe dọa thương mại toàn cầu.

BRICS lên tiếng ủng hộ Ethiopia và Iran gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, đồng thời kêu gọi khôi phục khẩn cấp năng lực của tổ chức này trong giải quyết tranh chấp thương mại.

Tuyên bố chung ủng hộ kế hoạch thí điểm sáng kiến ​​Bảo lãnh đa phương BRICS trong Ngân hàng Phát triển mới của nhóm, nhằm giảm chi phí tài chính và thúc đẩy đầu tư vào các quốc gia thành viên.

Trong một tuyên bố riêng về trí tuệ nhân tạo, các nhà lãnh đạo BRICS kêu gọi chống lại việc sử dụng AI trái phép để thu thập dữ liệu quá mức và tạo điều kiện cho các cơ chế thanh toán công bằng.

Chủ nhà Brazil cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Các nguồn tin cho biết, nhằm tài trợ cho việc bảo tồn các khu rừng đang bị đe dọa trên toàn thế giới, Trung Quốc và UAE đã khẳng định trong các cuộc họp với Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad tại Rio, rằng sẽ đầu tư vào một cơ sở rừng nhiệt đới vĩnh viễn mà Brazil đề xuất.

>> Tổng thống Nga Vladimir Putin: Tương lai thuộc về các nền kinh tế mới nổi

Việt Nam thắt chặt quan hệ hợp tác cùng thành viên sáng lập BRICS

Thủ tướng và Phu nhân lên đường dự hội nghị BRICS mở rộng tại Brazil

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/brics-len-tieng-ve-thue-keu-goi-cai-cach-toan-cau-post1758027.tpo
Bài liên quan
  • Việt Nam chuyển tải 3 thông điệp lớn tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS
    Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự với tư cách nước đối tác tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS, một cơ chế hợp tác đa phương giữa các nền kinh tế mới nổi và ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn cả về kinh tế và chính trị. Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dịp để Việt Nam chuyển tải 3 thông điệp lớn.
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil
    Nhận lời mời của Tổng thống Brasil Lula da Silva, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Brazil từ ngày 4 - 8/7, Bộ Ngoại giao thông báo.
  • Tổng thống Nga Putin sẽ không dự thượng đỉnh BRICS
    Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tuần tới tại Brazil vì lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), ông Yuri Ushakov - Trợ lý chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, cho biết.
  • Brazil tuyên bố Việt Nam chính thức trở thành ‘quốc gia đối tác’ của BRICS
    Việt Nam chính thức trở thành “quốc gia đối tác” của BRICS - Nhóm các nền kinh tế mới nổi.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    BRICS lên tiếng về thuế, kêu gọi cải cách toàn cầu
    POWERED BY ONECMS & INTECH