Điểm đến

Khám phá miếu cổ 3 làng thờ chung một thành hoàng ở miền Bắc Việt Nam, nổi tiếng là nơi sở hữu nhiều cổ vật quý có niên đại từ thời Nguyễn

Thanh Thanh 04/01/2024 00:26

Đây là một trong số ít những ngôi miếu cổ còn giữ được nét kiến trúc độc đáo và đã được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1991.

Nếu là người có niềm đam mê khám phá những công trình kiến trúc tâm linh cổ thì miếu chợ Cốc, Hải Dương sẽ là một điểm đến mà bạn không nên bỏ qua trong chuyến hành trình của mình.

Ngôi miếu cổ là nơi thờ chung của 3 thôn Bình Đê, Cao Lý và Gia Bùi cùng thuộc xã Gia Khánh (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) và là một trong số ít công trình tâm linh còn giữ được nét kiến trúc độc đáo cổ xưa.

Kiến trúc cổ

Miếu chợ Cốc là di sản quý của nhân dân địa phương khi vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ xưa Ảnh: Báo Hải Dương

Miếu chợ Cốc là di sản quý của nhân dân địa phương khi vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ xưa Ảnh: Báo Hải Dương

Miếu Chợ Cốc tọa lạc ở trung tâm xã Gia Khánh, phía trước là ao làng rộng rãi, thoáng mát. Đây là một di sản quý của nhân dân địa phương khi vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ xưa kiểu chữ nhị gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, được trùng tu lớn vào đầu thời Nguyễn.

Theo đó, tam quan miếu được xây dựng như một bức bình phong che chắn toàn bộ mặt tiền di tích, có ý nghĩa bảo vệ cho di tích tránh khỏi sự xâm hại của các luồng khí xấu. Nổi bật nhất là tam quan được kiến tạo nhiều mảng, bức phù điêu tuyệt đẹp, thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Các bức phù điêu được tạo hình linh vật, hoa văn, họa tiết thuần Việt ẩn nấp sau lớp vôi ve đã đốm mốc càng tôn thêm vẻ thâm nghiêm của di tích.

Miếu Chợ Cốc đã được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1991 Ảnh: Báo Hải Dương

Miếu Chợ Cốc đã được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1991 Ảnh: Báo Hải Dương

Từ cổng tam quan, nhìn vào cửa chính là 2 tháp bút cao vút, mỗi tháp có một phù điêu hình rồng quấn chặt thân tháp, hai cửa bên tả và bên hữu được kiến tạo theo kiểu chồng diêm cổ kính có mái che, ăn nhập với cửa chính. Hai bên cánh gà là 2 mảng phù điêu khá sinh động như chúa sơn lâm, chim thú, nghê, ngũ phúc (dơi), cảnh núi non sông nước.

Đi sâu vào tam quan là 5 gian tiền tế, có kiến trúc theo kiểu con chồng giá chiêng và kèo cầu bít đốc. Ngoài những bức chạm như trúc hóa long, mai điểu trên các đầu bẩy, di tích còn có một số bức chạm long cuốn thủy, tứ linh, tứ quý ở các gian trung tâm. Cấu kiện toà tiền tế làm bằng chất liệu gỗ lim, mái lợp ngói vảy cá truyền thống.

Ba gian hậu cung khá thấp, ít ánh sáng nên nhìn mờ ảo, linh thiêng. Phần nề ngõa của di tích được kiến tạo khá chắc chắn, đặc biệt là các bức phù điêu rất sống động bởi các con vật linh thiêng như rồng, hổ... Toà tiền tế và tòa hậu cung đều có 2 đầu hồi cuốn hình quai chảo truyền thống, mềm mại bởi những đường chỉ kép. Ngôi miếu sở hữu những nét kiến trúc cổ độc đáo, hiếm có công trình nào có thể giữ gìn tới tận bây giờ.

Lưu giữ nhiều cổ vật quý

Di tích còn lưu giữ khá nhiều cổ vật quý, nhất là đồ gỗ như 3 cỗ ngai thờ, 2 bộ đòn bát cống, các bộ long đình, bát biểu... có niên đại thời Nguyễn và một số bia đá, trong đó có bia do Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân (1814-1858) soạn. Trước kia, miếu còn giữ được 25 đạo sắc phong nhưng nay chỉ còn 10 đạo. Khu văn chỉ cách miếu 12m về phía đông hiện còn 5 tấm bia ghi rõ địa thế xây dựng miếu, các phong tục làng xã.

Bia đá do Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân soạn Ảnh: Báo Hải Dương

Bia đá do Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân soạn Ảnh: Báo Hải Dương

Ngoài ra, theo gia phả họ Nguyễn, bia ký của Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân và các bia ký, sắc phong còn lưu giữ trong miếu nêu rõ miếu thờ Thành hoàng làng là danh tướng Nguyễn Công Nguyên, người thôn Gia Bùi, đã có công giúp vua Lý đánh thắng giặc Tống ở thế kỷ 12.

Bản dập mặt trước và mặt sau tấm bia mang tên “Thiệu Trị ngũ niên - Ất Tỵ Thu ký” hiện còn được lưu giữ tại di tích

Bản dập mặt trước và mặt sau tấm bia mang tên “Thiệu Trị ngũ niên - Ất Tỵ Thu ký” hiện còn được lưu giữ tại di tích

Hằng năm, lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng giêng, kỷ niệm ngày sinh của danh tướng Nguyễn Công Nguyên. Tục lệ rước thánh được quy định rõ cho các làng như kiệu của thôn Bình Đê được đi trước, tiếp đến kiệu thôn Cao Lý và sau cùng là kiệu thôn Gia Bùi.

Ngoài lễ hội chính, lễ xin cầu may, xin lộc thánh thường khá tấp nập vào đêm giao thừa của mỗi năm. Phần hội vẫn duy trì các trò chơi dân gian như cờ người, đập niêu, đi cầu thùm, đi thuyền hát quan họ, giao lưu văn nghệ giữa các làng. Ngoài ra, có thêm một số môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông, bóng đá…

Theo dòng chảy của thời gian, ngôi miếu ngày nay đang bị xuống cấp, mối mọt làm hư hỏng nhiều bộ phận. Tuy nhiên, đây vẫn là số ít những ngôi miếu cổ còn giữ được nét kiến trúc độc đáo từ nhiều năm về trước, là điểm đến tâm linh mà bạn không nên bỏ qua trong chuyến hành trình khám phá Việt Nam của mình.

>> Ngôi miếu bí ẩn 300 năm tuổi đeo hơn 100 con rồng lênh đênh giữa sông Sài Gòn

Một nơi ở miền núi phía Đông Bắc Việt Nam được ví như 'vịnh Hạ Long' giữa đại ngàn, cảnh sắc thơ mộng, nước trong xanh thấy cả cá nheo khổng lồ nhưng ít người biết đến

Mỏ muối 700 năm tuổi lớn nhất thế giới chứa cả ‘mê cung ngầm’, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới

Phát hiện đường hầm 2.300 tuổi dưới ngôi đền cổ: Dài 1.350m, hé lộ trình độ khoa học kỹ thuật 'vượt thời gian'

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/kham-pha-mieu-co-3-lang-tho-chung-mot-thanh-hoang-o-mien-bac-viet-nam-noi-tieng-la-noi-so-huu-nhieu-co-vat-quy-co-nien-dai-tu-thoi-nguyen-d114078.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Khám phá miếu cổ 3 làng thờ chung một thành hoàng ở miền Bắc Việt Nam, nổi tiếng là nơi sở hữu nhiều cổ vật quý có niên đại từ thời Nguyễn
POWERED BY ONECMS & INTECH