Theo nhiều người dân, ngôi miếu kỳ lạ này rất linh thiêng và được dân trong làng hết sức bảo vệ, trùng tu trong nhiều năm qua.
Nhiều năm qua, người dân thôn Bồng Sơn (xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá) vẫn thường truyền tai nhau những câu chuyện kỳ lạ về ngôi miếu cổ linh thiêng và cây sanh (cây si) cổ thụ trăm năm tuổi như là một biểu tượng của làng.
Bà con trong thôn thường đến tâm nhang, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn thuận lợi. Ngôi miếu này thờ vị thần Cao Sơn. Chính vì vậy, dân làng cũng quen gọi đây là miếu Cao Sơn.
Miếu tựa mình bên triền núi sơn thủy hữu tình, phía sau là ngọn đồi trùng điệp, phía trước là hồ sen cùng cánh đồng lúa xanh ngắt nên thơ. Đặc biệt, phía trên nóc ngôi miếu mọc lên một cây sanh cổ thụ cao khoảng 20m, tán cây tỏa rộng bao trùm toàn bộ khuôn viên hơn 100m2. Phía dưới, hàng trăm chiếc rễ lớn nhỏ của cây đã bám chặt từ nóc xuống chân tạo một hàng rào chắc chắn xung quanh ngôi miếu, chỉ chừa lại phần cửa chính và 2 cửa sổ.
Bên trong ngôi miếu có nhiều câu đối bằng chữ Hán được viết nên từ khi lập miếu đến nay, dân làng chưa ai có thể dịch đúng nghĩa.
Theo các bậc cao niên thôn Bồng Sơn, không biết chính xác ngôi miếu có từ niên đại nào, nhưng cây sanh cổ thụ "ôm" trọn ngôi miếu này thì nhiều người sống gần 100 tuổi tại đây cho biết, lớn lên đã thấy cây sừng sững trên miếu nên cây cũng ngót nghét cả trăm tuổi.
Ông Trần Vũ Luận, người trông miếu cho biết: “Sau thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ nơi đây trở nên hoang tàn, người dân cũng không ai để ý đến ngôi miếu này nữa. Qua bao năm, gốc cây sanh đã ôm trọn ngôi miếu một cách kỳ lạ".
Những năm 1990 trở về trước đó, người dân trong làng nghèo đói, không thể làm ăn được gì, nhiều người chết trẻ. Lúc này, một số vị cao niên mới đưa thầy cúng về, thầy phán đây là một ngôi miếu thiêng, người dân phải ra thắp hương cầu thần, mọi việc sẽ hanh thông.
Sau ngày thầy cúng về làng, mọi người không ai rủ cũng tự giác ra dọn dẹp quanh khu miếu Cao Sơn. Lúc này gốc cây sanh đã ôm trọn ngôi miếu. Bên trong, ngôi miếu vẫn tồn tại, không bị biến dạng, hư hỏng như một điều kỳ diệu. Năm 2006, ngôi miếu mới được người dân góp tiền, tu sửa lại toàn bộ khuôn viên khang trang.
Vì thế, ngôi miếu cổ và cây sanh được người dân địa phương chăm sóc rất cẩn thận. Theo người dân thôn Bồng Sơn, ngôi miếu rất linh thiêng, mỗi năm có hàng nghìn lượt du khách từ khắp nơi đến thắp hương cầu an…
Ngôi miếu đã chứng kiến bao thăng trầm của thôn Bồng Sơn qua hàng thế kỷ. Nhiều người dân ở đây cho rằng, miếu Cao Sơn không chỉ là nơi gửi gắm tín ngưỡng mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa lịch sử của làng trong suốt tháng năm phát triển và hiện đại hoá.
Việc gìn giữ, bảo vệ miếu cũng chính là thể hiện ý thức giữ gìn luật lệ, lề lối gia phong và đảm bảo tinh thần đoàn kết của cộng đồng người dân nơi đây.