THACO, DGC đề xuất làm siêu dự án tỷ USD tại 'mỏ vàng' bô xít lớn nhất Việt Nam: Cần gỡ vướng ở đâu?
THACO và Hóa chất Đức Giang (DGC) lên đề xuất đầu tư các tổ hợp khai thác và chế biến bô xít - alumin - nhôm quy mô lớn tại tỉnh Lâm Đồng.
Chiều ngày 14/7/2025, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình vận hành chính quyền địa phương hai cấp và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Tại buổi làm việc, tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị Trung ương sớm giải quyết các khó khăn trong công tác quy hoạch, thăm dò và khai thác bô xít, titan; đồng thời đẩy nhanh thủ tục đầu tư đối với các dự án chế biến sâu tài nguyên này.
![]() |
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình làm việc tại tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Báo Lâm Đồng) |
Được biết, sau khi Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới trở thành trung tâm bô xít - nhôm lớn nhất cả nước. Hiện nay, địa phương đang vận hành 2 dự án quy mô lớn là tổ hợp bô xít - nhôm Lâm Đồng và nhà máy Alumin Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) quản lý, đều có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin mỗi năm.
Việc sáp nhập không chỉ giúp gia tăng trữ lượng khoáng sản mà còn tạo cơ hội để tối ưu chuỗi giá trị từ khai thác bô-xít, chế biến alumin đến luyện nhôm. Trong bối cảnh alumin thô vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và UAE, phát triển ngành luyện nhôm trong nước được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thô.
Trước tiềm năng đó, địa phương đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm, với hàng loạt dự án quy mô hàng tỷ USD được đề xuất.
![]() |
THACO, Hóa chất Đức Giang (DGC) đề xuất làm các dự án bô xít - nhôm quy mô lớn tại tỉnh Lâm Đồng |
Đầu năm 2024, Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã trình kế hoạch đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD) xây dựng tổ hợp kinh tế tuần hoàn, kết hợp khai thác bô xít, sản xuất alumin, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái tại khu vực Tây Nguyên. Trong đó, điểm nhấn là dự án Nhà máy Alumin Lâm Đồng 2 với công suất dự kiến 4 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) cũng đang theo đuổi dự án alumin lớn tại địa bàn tỉnh Đắk Nông (trước khi sáp nhập). Doanh nghiệp này đã được địa phương chấp thuận khảo sát mỏ tại các huyện Tuy Đức và Đắk Song, đồng thời lên kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến alumin tại Đắk Song. Theo biên bản ghi nhớ được ký năm 2024, dự án của Đức Giang có công suất khai thác 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm, với 3 nhà máy tuyển quặng tổng công suất 5,8 triệu tấn tinh quặng/năm, tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn lên đến 57.000 tỷ đồng (khoảng 2,3 tỷ USD).
Tại ĐHĐCĐ năm 2025, ban lãnh đạo công ty tiếp tục khẳng định quyết tâm triển khai dự án và kỳ vọng sẽ được cấp phép đầu tư giai đoạn 1 trong năm nay, để có thể khởi công xây dựng từ năm 2026.
Từ gốc photpho, Hóa chất Đức Giang (DGC) nhân nhánh tăng trưởng với NaOH, bô-xít và bất động sản
MB cấp vốn cho một 'công ty gia đình' làm dự án 15.000 tỷ tại thủ phủ bô xít Việt Nam