Hiện tại, việc ngân hàng sở hữu công ty chứng khoán không phải là lạ. Đáng nói, kinh doanh trái phiếu đang đem lại lợi nhuận rất lớn cho các công ty chứng khoán.
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 2 tháng đầu năm 2022, thị trường ghi nhận 8 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với tổng giá trị 5.509 tỷ đồng và 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 22.185 tỷ đồng.
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tổng giá trị trái phiếu phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 31% và tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng 51%. Như vậy, thị trường trái phiếu vẫn đang tăng nóng.
Điều đáng nói, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại và đã có hiệu lực từ ngày 15/1/2022.
Cụ thể, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đồng thời, tổ chức tín dụng cũng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để cơ cấu nợ; Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn mua cổ phần và Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tăng vốn. Đó là chưa kể, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại (Thông tư 16/2021) cũng quy định tổ chức tín dụng phải giám sát dòng tiền của doanh nghiệp phát hành sau khi mua trái phiếu của doanh nghiệp đó.
Theo quy định, tất cả các nhà đầu tư đều có thể mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng. Tuy nhiên, với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, đối tượng mua phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệ. Trong khi đó, theo quy định của Luật chứng khoán, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có thể hiểu gồm ngân hàng, công ty chứng khoán, tổ chức tài chính, nhà đầu tư cá nhân (có chứng chỉ hành nghề; nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng; có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng).
Với yêu cầu khắt khe như vậy, số lượng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp khó có sự đột biến để tạo nguồn lực lớn. Do đó, nhân tố chính của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên sơ cấp chủ yếu là ngân hàng, công ty chứng khoán và tổ chức tài chính.
Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng kể từ khi Thông tư 16/2021 chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay, vai trò nhà đầu tư của các ngân hàng thương mại đang nằm trong xu hướng giảm dần. Nếu trước kia, các ngân hàng thường đứng ra mua gom trên sơ cấp, rồi bán lại cho nhà đầu tư trên thứ cấp thì nay, hoạt động này rất hiếm.
Tham khảo trên thị trường, hầu hết các nhân viên ngân hàng đều thông tin rằng, không còn chương trình trái phiếu nào do ngân hàng bảo lãnh và khách hàng được giới thiệu sang công ty chứng khoán nằm trong hệ sinh thái của ngân hàng.
Như vậy, nhiều khả năng khi Thông tư 16/2021 hạn chế ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng đã khéo léo thích ứng bằng việc đẩy mối làm ăn cho công ty chứng khoán trong cùng hệ sinh thái.
Hiện tại, việc ngân hàng sở hữu công ty chứng khoán không phải là lạ. Nhiều cái tên gắn liền với thương hiệu ngân hàng như Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán ACB (ACBS), Chứng khoán BIDV (BSC), Chứng khoán Kỹ thương (TCBS),… và kinh doanh trái phiếu đang đem lại lợi nhuận rất lớn cho các công ty chứng khoán.
Một chuyên gia kinh tế đánh giá, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh để các ngân hàng “lách” cho vay doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản vừa đáp ứng được yêu cầu không tập trung cho vay lĩnh vực rủi ro mà không phải trích lập dự phòng rủi ro vừa “làm đẹp" bảng cân đối tài chính, biên lợi nhuận lại cao.
Tại Tọa đàm “Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán 2022” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 15/3/2022, chia sẻ về câu chuyện về trái phiếu doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh đánh giá, bước sang năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có bước phát triển nhất định về cơ chế giám sát, mục đích sử dụng vốn nhưng mới chỉ hạn chế trong khu vực các tổ chức tín dụng trong khi ngoài khu vực này vẫn còn nhiều việc phải làm.
Tuy nhiên, những trở ngại từ khâu phát hành và đầu tư vẫn còn tồn tại chưa được khắc phục và chưa có tiến bộ đột phá. Vì vậy, có thể nói rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 vẫn sẽ tiếp tục trong tình trạng phát triển khó khăn cả về chất lượng trái phiếu doanh nghiệp, độ tín nhiệm của nhà phát hành và độ tin cậy của nhà đầu tư, năng lực giám sát và quản lý thị trường của cơ quan quản lý. Tốc độ tăng trưởng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 vì vậy vẫn ở mức thấp, mặc dù nhu cầu về vốn trung dài hạn của nền kinh tế là rất lớn.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn về tín dụng trung dài hạn và hệ thống pháp lý được hoàn thiện hơn, có thể thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những bước phát triển mới vào năm 2023 trở đi.